Trong những ngày qua, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt công bố giảm lãi suất (LS) cho vay, trung bình ở khoảng 17 - 19%/năm. Với diễn biến của lạm phát đang giảm dần, cùng với các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo các chuyên gia tài chính - NH, việc LS giảm sâu hơn nữa là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng...
Nếu lạm phát giảm dần thì không có lý gì lãi suất lại không giảm tiế (ảnh T.Đồng)
Một đại diện VIB cho rằng, bản thân các NH cũng mong muốn có một mức LS để khách hàng chấp nhận được để vượt qua những khó khăn hiện nay. Trong thời gian qua, VIB cũng đã thực hiện giảm LS cho vay mấy lần. Cũng theo đại diện của VIB, LS cho vay ở mức 16 - 18% là lý tưởng nhất trong giai đoạn này. Tuy nhiên, LS giảm thế nào cũng còn tùy thuộc vào thị trường chứ không chỉ nằm ở ý chí các NH được, vì để đưa ra một mức LS, NH còn phải tính toán tất cả các chi phí đầu vào. Mặt khác, LS có giảm sâu hơn nữa hay không cũng còn phụ thuộc vào các chính sách của NHNN. Nếu như lượng tiền được bơm ra hệ thống nhiều hơn thì việc giảm LS sâu hơn là đương nhiên.
Theo nhận định từ chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, trong năm 2011 tín dụng được thắt chặt nhất từ trước đến nay, lượng cung tiền bị hạn chế tối đa. Doanh nghiệp vì thế đối mặt với 2 khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp và LS tăng cao. Vừa qua, với các động thái chính sách từ NHNN cho thấy đã bỏ chữ “thắt”, chỉ còn chữ “chặt” thôi. Điều đó cho thấy NHNN vẫn sẽ điều hành tiền tệ chặt chẽ, đặc biệt là đối với việc cho vay phi sản xuất và bất động sản. Đối với sản xuất nông nghiệp và sản xuất, NHHN cũng đang có dấu hiệu cho thấy ưu tiên nguồn vốn chảy vào đó. Trong 4 tháng còn lại của năm 2011, lượng tiền cho vay còn tương đối lớn, đồng thời lượng cung tiền lớn do dồn lại từ đầu năm nên nhu cầu giải ngân là có. Vừa qua, NHNN cũng đã cho phép các NH thương mại thế chấp các loại giấy tờ có giá để NHNN bơm tiền qua, từ đó các NH sẽ có thêm một lượng vốn dồi dào hơn, sẽ giúp cho các NH lớn tăng thêm khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, để thúc đẩy LS giảm sâu hơn, ông Hiển cho rằng, NHNN cũng cần tạo điều kiện cho các NH nhỏ, như xem lại Thông tư 13 về cho vay liên NH, từ NH lớn sang NH nhỏ, sao cho dòng tiền từ NHNN đến các NH lớn qua liên NH sẽ đến được với các NH nhỏ, làm cho khả năng cung tiền dồi dào hơn. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ hơn và mức LS thấp hơn. Đồng thời, khi cuộc đua LS giữa các NH không còn tiếp diễn, sẽ giúp cho LS giảm sâu dần từ nay cho đến hết năm 2011.
Còn Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Đại học NH TP.HCM nhận định: “Có hiện tượng thừa tiền trong các NH. Tuy vậy, hiện tượng thừa tiền của NH là do có một chút vấn đề ách tắc giữa cung và cầu tiền tệ. Các NH đưa nhau đẩy LS lên, nhưng đến thời điểm này không nhiều. Hiện nay thanh khoản của các NH tương đối ổn, thậm chí còn dư nhưng vẫn chưa vững chắc, không đều; ở NH này thì thiếu, NH khác lại đủ, NH khác nữa thì dư nhưng chỉ dư tức thì thôi. Bản thân sự dư cũng đang chứa đựng sự tiềm ẩn không dư nên họ vẫn phải giữ...”. Theo ông Dương, trong trường hợp này, nên khuyến khích cho vay liên NH, làm cho nguồn tiền giữa các NH lưu thông với nhau, để hạn chế việc đua LS huy động.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, làm sao cho LS hạ xuống sâu hơn là điều đang cần quan tâm và NHNN cần phải có những gói giải pháp. Theo đó, để giảm LS xuống cần có những bước đi căn bản: Thứ nhất là phải dùng các công cụ thị trường để tháo ách tác giữa thị trường 1 và thị trường 2, khi tháo được ách tắc thì các NH sẽ không nâng LS huy động thì LS sẽ giảm dần. Thứ hai là phải dùng công cụ thị trường mở, bơm lượng tiền ra trong khuôn khổ. Khi cung tín dụng được mở ra thì khung LS sẽ thông thoáng hơn nhiều, LS sẽ phải hạ xuống.
Hiện nay, chỉ số lạm phát đang có xu hướng thấp xuống, theo các chuyên gia, nếu lạm phát giảm dần thì không có lý gì LS lại không giảm sâu hơn. Thêm vào đó, thanh khoản của các NH đã tương đối ổn định thì việc giảm LS sâu hơn là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kỳ vọng hạ LS sâu hơn không thể hạ một cái như xuống dốc mà phải từ từ. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương khuyến nghị, để giảm LS, cần phải có sự điều hành thông thoáng, nơi đồng tiền ra, kết hợp với công cụ thị trường; hạn chế tăng trưởng tín dụng như mức Chính phủ đề ra nhưng nắn dòng tiền để không tạo ra những nhu cầu vay đột biến mà từ đó NH đẩy LS lên cao. Cùng với đó là các biện pháp trong Nghị quyết 11 được thực hiện đồng bộ, đầu tư công được cắt giảm, nâng hiệu quả sản xuất lên, đối tượng vay mở rộng ra, LS sẽ hạ sâu hơn là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.
THÀNH SƠN