Sức lan tỏa của công tác đền ơn đáp nghĩa ở Bình Dương thời gian qua rất lớn, đặc biệt là sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN) cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Tìm hiểu kết quả vận động, quản lý và sử dụng quỹ, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Phùng Chí Lập, Trưởng phòng Người có công (NCC) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Ông Nguyễn Hữu Từ (phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho thương binh 1/4 Đinh Văn Thành (Dầu Tiếng)
- Xin ông cho biết kết quả vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thời gian qua?
- Những năm qua, các đơn vị tài trợ đã đóng góp vào công tác xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa rất nhiều, chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng chính sách, NCC trên địa bàn để xây tặng nhà ở. Cụ thể năm 2014, Bình Dương đã xây tặng và sửa chữa 310 căn nhà tình nghĩa, với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng, trong đó hơn 7,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và Trung ương, vận động và trích từ quỹ gần 3 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức khảo sát đời sống các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thương bệnh binh nặng, qua đó đề nghị trích từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mua sắm các trang thiết bị thiết yếu cho gia đình mẹ VNAH, thương bệnh binh hạng 1, 2 và gia đình chính sách nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống. Qua khảo sát, tỉnh đã trao tặng cho 222 đối tượng, gia đình chính sách với số tiền trên 7 tỷ đồng và đang tiếp tục khảo sát gia đình các mẹ VNAH vừa mới được phong tặng trong năm 2014 để lên danh sách, trao tặng trang thiết bị nội thất thiết yếu.
- Việc sử dụng nguồn quỹ ra sao và các đối tượng nào được thụ hưởng, thưa ông?
- Theo quy định, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa chủ yếu là dùng để sử dụng tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ; hỗ trợ để xây tặng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng NCC hoặc thân nhân của họ; đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ NCC hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn; hỗ trợ địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi NCC mà nguồn vận động ủng hộ thấp… và các hoạt động tuyên truyền, khen thưởng, chỉ đạo, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (khoản chi này không vượt quá 5% tổng số thu hàng năm của quỹ ở từng cấp).
Thời gian qua, các đơn vị tài trợ thường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thông qua Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố để thăm, tặng quà; xây tặng, sửa chữa nhà; chăm sóc sức khỏe cho đối tượng chính sách trên địa bàn.
- Theo ông, kế hoạch vận động quỹ năm nay như thế nào?
- Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2015), Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và ban hành Thư kêu gọi ủng hộ quỹ. Thời gian tập trung vận động là từ ngày 1-7 đến 31- 7. Đối tượng vận động, cấp xã vận động rộng rãi trong hộ dân; cấp huyện vận động trong công chức, viên chức, người lao động các cơ quan và lực lượng vũ trang huyện, thị, thành phố và một số DN do huyện, thị, thành phố quản lý; cấp tỉnh sẽ vận động trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, lực lượng vũ trang tỉnh, DN trong các khu công nghiệp, một số DN tỉnh quản lý.
Mức tham gia đóng góp: Đối với người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước vận động đóng góp ít nhất 1 ngày lương/người; các hộgia đình ởxã ít nhất 20.000 đồng/hộ, ởphường hoặc thị trấn ít nhất 40.000 đồng/hộ. Riêng đối với các DN sản xuất, kinh doanh (gồm các DN Nhà nước và các DN tư nhân) ngoài sự đóng góp theo khả năng của mỗi cá nhân trong DN, đề nghị DN đóng góp theo khả năng của DN ủng hộ quỹ. Theo tôi được biết, đến thời điểm này, kế hoạch và thư kêu gọi đã được phát hành rộng rãi đến các DN, cơ quan, đơn vị và các địa phương.
THIÊN LÝ (thực hiện)