Là cơ sở thờ tự của Phật giáo nhưng chùa tổ Long Hưng (tên dân gian gọi là chùa Tổ Đỉa) còn là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Xứng đáng với truyền thống yêu nước, thương dân, chùa tổ Long Hưng tiếp tục có những việc làm ý nghĩa giúp đỡ bà con nghèo, người xa quê đến Bình Dương lập nghiệp…
Nhà tang lễ hỗ trợ người khó khăn trong khuôn viên chùa tổ Long Hưng
Chùa tổ Long Hưng (được coi là chùa tổ của thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu) tọa lạc tại ấp 4 xã Tân Định. Chùa được khởi tạo xây dựng vào năm 1768. Chùa có tổng diện tích hơn 12.000m2. Ngôi chùa này gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển 300 năm của địa phương. Sự hình thành ngôi cổ tự này còn gắn với giai thoại nhà sư Thiện Hiếu đã hiến mình cho con đỉa để nhân dân yên ổn sinh sống. Ngày 4-7-2005, chùa được trao quyết định là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Những bậc cao niên ở gần chùa tổ Long Hưng vẫn kể cho chúng tôi nghe về các câu chuyện gắn liền với ngôi chùa này. Trải qua bao cuộc bể dâu thế sự, chiến tranh tàn phá nhưng chùa vẫn là nơi cưu mang, giúp đỡ những người khó khăn. Ngôi chùa mới được trùng tu vài năm trở lại đây vẫn còn nét cổ kính, vẫn có những tán cây sum sê che mát sân chùa. Câu chuyện mà những người lớn tuổi nhắc đi nhắc lại cho thế hệ sau ghi nhớ là khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, khi chiến sự lan ra vùng này, chùa bị đạn pháo bắn vào ngay chánh điện. Khi đó, trong chùa có gần 100 người đa số là cụ già, phụ nữ và trẻ em đang trú ngụ. Chùa bị sập hoàn toàn, các tượng Phật bị tung tóe khắp nơi. Thế nhưng gần 100 con người lại chỉ có một chị bị thương nhẹ... Những câu chuyện như thế minh chứng cho sự gắn bó thân thiết của người dân địa phương gửi gắm niềm tin, tấm lòng của mình đối với chùa, với tín ngưỡng đạo Phật luôn làm điều thiện giúp người dân.
Phát huy truyền thống này, chùa tổ Long Hưng hiện có những hoạt động Phật sự rất ý nghĩa như hàng năm, chùa phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, TX.Bến Cát… tổ chức khóa tu mùa hè cho hàng trăm thanh thiếu niên. Các em sẽ được luyện tập về kỹ năng sống, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn và có trách nhiệm với bạn bè, người thân. Đây cũng là địa chỉ phát gạo hàng tháng vào ngày mồng 1 và Rằm âm lịch. Chương trình này được chùa tổ Long Hưng phối hợp với Câu lạc bộ Hạt giống Từ Tâm thực hiện để phát gạo từ thiện cho người dân nghèo, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực.
Một việc làm thật sự ý nghĩa nữa mà chùa tổ Long Hưng đã làm được là xây dựng nhà tang lễ để lo hậu sự cho người quá khó khăn. Đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp và cần thiết trong thời điểm này. Theo Đại đức Thích Thiện Hưng, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, người quản lý chùa tổ Long Hưng cho biết: “Những năm qua, mỗi năm có khoảng trên 10 đám tang của người dân không có nơi để lo hậu sự. Họ tìm đến nhờ gửi tạm trong khuôn viên nhà chùa để lo các thủ tục, nghi lễ trước khi đưa người mất về quê hoặc đi hỏa táng. Mỗi lần như thế, chúng tôi phải huy động phật tử hỗ trợ nhưng chỉ che bạt trong vườn chùa, khách, chủ thì lưu trú nơi hiên chùa nhìn rất thương tâm. Từ thực tế này, chùa đã lên kế hoạch và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà tang lễ, phòng nghỉ ngơi cho người thân trong phần đất của chùa. Đến nay việc xây dựng đã hoàn tất, chùa có thể giúp bà con không có nhà ở trong việc lo hậu sự…”.
Người dân khắp nơi đến với Bình Dương sinh sống, làm việc rất đông. Nhiều người còn vất vả mưu sinh, ở nhà trọ nên những việc làm như thế này quả thật rất cần thiết.
QUỲNH NHƯ