"Làng" tỷ phú Nga ở nước Ý

Cập nhật: 24-08-2010 | 00:00:00

Nếu ở Mỹ có Little China của cộng đồng người Hoa, ở Ý cũng có một Little Russia của cộng đồng người Nga. Tuy nhiên, khác với Little China, Little Russia nằm ở những địa điểm du lịch nổi tiếng được mệnh danh là thiên đường của nước Ý và người Nga ở đây hầu hết đều thuộc hàng tỷ phú.

 

Xài tiền kiểu... người Nga

 

Đó là Ischia và Capri, hai hòn đảo du lịch nằm ở vịnh Naples trong biển Adriatic thuộc vùng Riviera ở phía Bắc Ý, biển Emerald ở đảo Sardinia và những ngôi làng nằm ven các TP biển như Positano và Sorrento. Những địa điểm này đã trở thành các khu định cư của giới tài phiệt Nga.

 

Những tỷ phú đến từ Mátxcơva ở trong những khách sạn sang trọng nhiều tháng trời, thuê những biệt thự mùa hè với giá 100.000 EUR/tháng và sẵn sàng trả khoảng 20 triệu EUR để mua các căn hộ ven biển. Họ giết thời gian bằng những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng kiểu “carnival” và những chuyến du ngoạn bằng tàu ngầm riêng. Họ di chuyển trên những chiếc limousine, bằng du thuyền hoặc thuê trực thăng với giá 2.000 EUR/giờ. Họ chọn những nơi có phong cảnh lãng mạn, ngoạn mục và đắt tiền nhất để mua biệt thự, lâu đài, trang viên dọc bờ biển đẹp như trong mơ với giá hàng chục triệu USD. Đó là cách xài tiền của các tỷ phú người Nga.

 Tỷ phú Mikhail Prokhorov (ảnh nhỏ) và phi vụ bất thành mất trắng 36 triệu bảng Anh.

Các “ông hoàng” Nga ngày càng đổ nhiều tiền vào việc mua hay thuê biệt thự dọc bờ biển khiến giá bất động sản tại đây bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Theo nhật báo Corriere della Sera của Ý, có đến 2/3 tòa nhà ở TP Forte dei Marmi trở thành ngôi nhà thứ hai của giới tỷ phú đến từ Mátxcơva. Chính quyền địa phương buộc phải thông qua luật siết chặt một phần nhà ở trong thị trấn để dành cho cư dân địa phương.

 

Văn phòng du lịch Ý cho biết, số người Nga đến thăm TP Rimini và Riccione tăng 30% và các chuyến bay được thuê từ Mátxcơva đến 2 TP này đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua. Một cuộc khảo sát mới đây do Global Refund (mạng mua hàng miễn thuế) tiến hành cho thấy, người Nga ở đây chỉ thích dùng hàng “made in Italy”, từ giày dép, quần áo, nữ trang và rượu Spumante (một loại rượu champagne nổi tiếng Ý). Họ là khách hàng thân thiết của nhiều cửa hàng thời trang nổi tiếng ở Ý như Versace, Missoni, Gucci và Prada. Nhiều chủ hiệu cho biết, các đại gia Nga sẵn sàng chi 25.000 USD chỉ để mua quần áo và không hề do dự khi mua đồ trang sức tại các cửa hiệu Bulgari hay De Grisogono - nơi mà một dây chuyền kim cương có thể lên tới 3,7 triệu USD.

 

Tỷ lệ chi tiêu cho hàng hóa Ý của người Nga chiếm đến 83% trong tổng số chi tiêu của khách du lịch. Hầu hết các nhà hàng và khách sạn tại những “thiên đường” này đều có thực đơn viết bằng tiếng Nga và tuyển dụng nhân viên phục vụ biết nói tiếng Nga. Người Ý đã thôi không còn ngạc nhiên khi mỗi buổi sáng, thấy những chiếc Ferrari và Mercedes bóng lộn đậu chật kín lối ra vào một nhà thờ riêng của giới tỷ phú Nga tại thị trấn nhỏ Liscia di Vacca, ở thiên đường Emerald trên đảo Sardinia.

 

Vài năm gần đây, số tỷ phú Nga đổ về Costa Smeralda nghỉ hè tăng lên đáng kể. Việc sở hữu bất động sản ở một trong những địa điểm du lịch hàng đầu tại Emerald Coast (còn gọi Costa Smeralda) ở Đông Bắc đảo Sardinia là một “mô hình mẫu” của giới “tỷ phú đi bằng trực thăng” của Nga. Roman Abramovich, ông chủ đội bóng Chelsea là khách hàng thường xuyên và là đối tác đầu tư vào một trong những resort hạng sang ở khu du lịch Sardinia, thuộc vùng Forte Village. Resort này bao gồm khoảng 20 nhà hàng, 40 khách sạn với tổng doanh thu hàng năm khoảng 75 tỷ EUR.

 

Trong số này còn có Tariko Roustam (được mệnh danh là vua Vodka), Alisher Usmanov (người quản lý của tập đoàn khí đốt nổi tiếng Gazprom), trùm truyền hình Ildar Karimov, Vasili Anisimov (nhà sản xuất vàng, người đã mua biệt thự Minerva có khu vườn rộng 3ha của bà Veronica Lario, vợ cũ của Thủ tướng Ý Berlusconi với giá 19 triệu USD). Tariko đứng thứ 35 trong danh sách những người giàu nhất ở Nga với tài sản trị giá 830 triệu USD. Gần đây, thiên đường Sardinia lại xuất hiện thêm nhiều thành viên mới là S.Yastrzhembsky, phái viên của Nga tại Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Công nghệ Thông tin L.Reiman và cháu trai của cựu Tổng thống B.Yeltsin.

 

Ngoài ra, còn có nhiều tỷ phú Nga giấu tên khác đã chi hàng chục triệu USD để mua biệt thự ở Costa Smeralda trong mùa hè này. Một “điểm ngắm” khác của người Nga ở Ý là Alberobello thuộc vùng Apulia. Ở đây, giới đầu tư bất động sản từ Mátxcơva và St.Petersburg cũng đang bỏ ra hàng triệu EUR để mua các nông trại cũ và những ngôi nhà thời tiền sử bằng đá hình nón, màu trắng gọi là “Trulli”, cho dù chúng đang được UNESCO liệt vào danh sách những địa điểm di sản của Ý.

 

Theo Global Post, trong 3 tháng đầu năm nay, Đại sứ quán Ý ở Mátxcơva đã cấp khoảng 52.000 visa cho công dân Nga đến Ý để nghỉ ngơi và làm ăn. Cùng thời điểm này, chỉ có khoảng 23.000 người Mỹ, 23.500 người Pháp và khoảng 9.000 người Tây Ban Nha đến Ý. Thực tế, người Nga đến đây không chỉ để hưởng thụ mà còn đang theo đuổi mục tiêu thu lợi trên đất Ý.

 

Londongrad bên dòng sông Thames

 

Không chỉ ở Ý, từ năm 2001, “làn sóng Nga” đã đổ ập xuống London, do tỷ phú Boris Berezovski khởi đầu. Một trong những yếu tố vượt trội mà London có được để tạo ra sức hút mạnh mẽ so với Paris hoa lệ hay New York sành điệu chính là hệ thống thuế khóa. Định mức thuế thu nhập tối đa tại Vương quốc Anh là 40% và không có khoản thuế phụ trội đối với các đối tượng sở hữu những nguồn gốc tài sản lớn. Mặt khác, do vẫn còn áp dụng một đạo luật ưu đãi dành cho những người thuộc diện không cư trú, nên Anh vẫn là điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với các tỷ phú ngoại quốc - những đối tượng hiện đang hoạt động làm ăn kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Anh.

 

Vào đầu thập niên 90, con số những người Nga đến London sinh sống đếm được không quá 10.000 người. Nhưng hiện nay có đến 250.000 người Nga - trong đó có 6 tỷ phú và hàng chục triệu phú - cư trú thường xuyên hoặc định kỳ tại Anh. Chính sự vượt trội này đã khiến Tạp chí Forbes của Mỹ gọi khu vực sinh sống của cộng đồng cư dân Nga tại thủ đô nước Anh là “Londongrad”, trong khi tờ Izvestia của Nga gọi đó là một “Mátxcơva bên sông Thames”.

 

Chính ông trùm Boris Berezovski là người khởi xướng cho xu hướng Nga tại Anh khi chạy sang London vào năm 2001 và xin tỵ nạn tại đây. Kế đến, một Roman Abramovich, giàu thứ nhì ở Anh, đã biết lấy lòng dân chúng khi mua lại CLB Chelsea vào năm 2003. Ông “vua nhôm” Oleg Deripaska đã có mặt trong khách sạn Belgravia lộng lẫy. Dù tài sản của Deripaska, theo công bố năm ngoái của Forbes, đã co hẹp lại từ 28 tỷ bảng Anh xuống chỉ còn 3,5 tỷ bảng Anh do sa sút trong hoạt động kinh tế, nhưng hiện ông vẫn sở hữu một ngôi nhà mua từ năm 2003 với giá khoảng 25 triệu bảng Anh (40 triệu USD) tại Belgrave - một trong những khu vực đắt giá nhất ở thủ đô London.

 

Hiện ở London có một nhóm tỷ phú Nga, khoảng chục người, nắm trong tay quyền lực tương xứng với tài sản kếch sù của họ. Và trên thực tế, những tỷ phú Nga này đã tạo nên một hình ảnh bắt mắt nhất của cả một cộng đồng Nga sinh sống tại London. Những người Nga tại đây làm việc trong ngành tài chính, truyền thông, thương mại và thời trang. “Người Nga luôn được chào đón tại thành phố này”, Thị trưởng London Ken Livingstone đã phát biểu như vậy.

 

Theo ước tính, cứ 5 biệt thự tại Anh có giá trên 12 triệu USD thì 1 trong số này thuộc quyền sở hữu của người Nga. Năm 2008, người phụ nữ giàu nhất nước Nga - Yelena Baturina đã tậu một tòa biệt thự sang trọng bậc nhất ở London, ngay sau Cung điện Buckingham của Hoàng gia Anh với giá 100 triệu USD.

 

Trước đó, nhiều nhân vật tiếng tăm của Nga đã tậu những căn nhà sang trọng bậc nhất tại xứ sở sương mù như khu biệt thự Victorian ở trung tâm London, trị giá 160 triệu USD của Elena Franchuk; khu biệt thự Tudor, Surrey của Alisher Usmanov... Các công ty bất động sản tại Anh cho biết, giới tỷ phú Nga đang đầu tư rất lớn vào bất động sản ở London. Mới đây nhất là vụ tỷ phú Nga Mikhail Prokhorov đứng đầu Tập đoàn Onexim, chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, quyết định rút lui khỏi vụ mua bán căn biệt thự Villa Leopolda của bà Lily Safra, góa phụ của tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực Ngân hàng Edmond Safra ở London và chấp nhận mất trắng 36 triệu bảng Anh (54 triệu USD) tiền đặt cọc do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.

 

Không chỉ ở Anh, các tỷ phú Nga vẫn không ngừng đầu tư bất động sản tại nhiều “thiên đường” khác trên thế giới. Hồi tháng 6-2008, giới tỷ phú Nga giật mình khi nghe tin báo chí Mỹ loan báo Dmitry Rybolovlev, 42 tuổi, “ông trùm phân bón” đã mua lại một dinh thự ở Florida của nhà tỷ phú người Mỹ Donald Trump với giá 100 triệu USD.

 

Đây được coi là thương vụ mua bán nhà riêng tốn kém nhất nước Mỹ từ trước tới nay. Có điều, người mua thổ lộ rằng ông ta không định tới Mỹ sống mà chỉ coi món tiền cả trăm triệu USD đổ vào ngôi nhà như một khoản đầu tư… bình thường.

 

Tuy nhiên, dù việc đầu tư có lúc thắng, lúc thua nhưng theo bà Marina Starkova, sáng lập viên của Hãng truyền thông Red Square PR có trụ sở đặt tại London và Mátxcơva: “Đối với người Nga, London là thủ đô của thế giới. Người Nga phải có mặt ở đó để được cả thế giới chiêm ngưỡng”. Nói chung, người Nga đến sống ở London để khẳng định giàu có và… để cho người khác thấy điều đó.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=422
Quay lên trên