Yêu nhau trong chiến trường, mối tình giữa Đức Lưu và nhà thơ Chính Hữu kéo dài hơn 7 năm. Nhưng sự giận dữ của thi sĩ cùng cái tát nảy lửa đã chia cách 2 người mãi mãi.
Đã 26 năm đi qua, kể từ ngày người đàn bà ấy vào vai Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Nghệ sĩ Đức Lưu chỉ bừng sáng với vai Thị Nở rồi rẽ ngang với công việc đối ngoại.
“Thị Nở” trong Làng Vũ Đại ngày ấy tên thật là Nguyễn Thị Đức Lưu, quê ở xứ Đoài mây trắng. Đến tận bây giờ rất ít người nhận ra chị. Những người biết chị từng đóng vai Thị Nở vẫn tấm tắc khen thân mật: “Thị Nở cũng xinh đáo để”. Đức Lưu vui bởi vẫn có khán giả nhớ đến mình.
Nghệ sĩ Đức Lưu
Lên phim thì nghệ sĩ Đức Lưu không thuộc lớp diễn viên điện ảnh gạo cội, tham gia nhiều phim, nhưng chỉ riêng vai diễn Thị Nở, Đức Lưu đã “ghim” tên mình vào lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, Nguyễn Thị Đức Lưu thoát ly gia đình từ năm 15 tuổi. Năm 1954, cô gái nhỏ Đức Lưu vào Bộ đội làm hộ lý băng bó vết thương phục vụ thương bệnh binh trong Trung đoàn 151, Bộ Tư lệnh Công binh. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, Đức Lưu tận mắt chứng kiến, nếm trải cảnh sống nhọc nhằn, gian khổ của anh Bộ đội cụ Hồ. Ngày ấy nhiều anh thương binh được Đức lưu chăm sóc, thầm yêu trộm nhớ lưu giữ một hình ảnh đẹp về cô hộ lý nhỏ trong tim. Nguyễn Thị Đức Lưu yêu văn nghệ , yêu chiến sĩ- đồng đội thân yêu ngày đêm đối mặt với kẻ thù, sự sống và cái chết hết sức mong manh.
Có chút năng khiếu văn nghệ, chỉ sau một năm công tác ở Trung đoàn 151 Đức Lưu chuyển sang Đoàn ca múa II thuộc Tổng cục Chính trị. Tại đây chị gặp Đoàn trưởng, nhà thơ Chính Hữu anh dìu dắt Đức Lưu trưởng thành. Và giữa họ nảy nỏ một tình yêu đẹp, trong sáng dịu êm. Trong những đêm giao lưu văn nghệ, Đức Lưu múa sạp anh Chính Hữu ngồi phía dưới làm khán giả kiêm đạo diễn, say sưa nhìn người mình yêu múa với niềm đam mê cháy bỏng.
Trong đạn lửa đạn chiến tranh khét mùi thuốc súng, Đức Lưu và Chính Hữu vẫn tha thiết yêu nhau. Đôi trai tài gái sắc say đắm quấn quýt bên nhau như đôi chim non. Anh luôn ở bên chị không chịu rời xa nửa bước. Năm 1955, đôi “tình nhân” cùng về thủ đô Hà Nội chuẩn bị làm lễ thành hôn. Nhưng cuộc đời có những lối rẽ mà chính Đức Lưu không thể lường trước được.
Năm 1959 Đức Lưu thi trúng tuyển vào trường Điện ảnh Việt nam học lớp diễn viên khóa I cùng với các nghệ sỹ: Trà Giang, Thụy Vân, Thế Anh, Lâm Tới, Thúy Vinh... Năm 1962 tốt nghiệp. Ra trường Đức Lưu được về Hãng phim truyện Việt Nam làm diễn viên. Trước đó một thời gian - thời điểm trước khi ra trường - chị cùng các diễn viên điện ảnh cùng khóa đi thực tế ở nông trường Rạng Đông, Hải Hậu, Nam Định. Mải lao động nên ngày thứ bảy, chủ nhật do lỡ chuyến xe chị không về kịp tìm gặp người yêu. Những tưởng sau những ngày cách xa, anh Chính Hữu sẽ yêu chị cuồng si hơn... nào ngờ Đức Lưu lưu bị ăn một cái tát nổ đom đóm mắt từ tay người yêu trong một buổi chiều mãi mãi Đức Lưu không thể quên.
Tình cảm rạn nứt, tình yêu đổ vỡ đau khổ tận cùng nhưng rồi Đức Lưu cũng lấy lại cân bằng. Hằng ngày, chị vùi đầu trong công việc, tối đến tranh thủ đi học tiếng Anh. Tại lớp học ngoại ngữ, Đức Lưu quen anh Trần Hạ Phương- sau này là chồng của chị. Anh Phương là nhà khoa học hiền lành ít nói nhưng am hiểu nghệ thuật. Anh cố vấn giúp vợ thành công trong những vai diễn do đạo diễn phân vai. Vai cô Mận trong bộ phim “Cô gái công trường” thành công ngoài mong đợi; tiếp đó lại đến vai trong vở kịch truyền hình “Đêm tháng bảy”. Rồi chị được đạo diễn nghệ sỹ Nhân dân Phạm Văn Khoa giao cho vai Thị Nở.
Trước đó ông Khoa đã đi tìm nhiều diễn viên nhưng không diễn viên nào đảm nhận vì nhiều lý do. Gặp Đức Lưu anh Khoa hỏi “Em có đủ dũng cảm đóng vai này, anh mời em tham gia?” “Em chỉ sợ mình không đủ tài năng chứ em quá thừa lòng dũng cảm”. Khi đọc kịch bản phim, Đức Lưu ngộ ra một điều, Thị Nở là nhân vật đáng yêu, đáng thương, tốt tính, trung thực và là người lao động thực sự. Nhưng tạo hóa không công bằng bằng với Thị Nở thiệt thòi đủ thứ: xấu xí, dở hơi, hâm hâm, nghèo khổ lại sinh ra trong gia đình có mả hủi...
Đau đáu với nhân vật, Đức Lưu bị hình ảnh Thị Nở ám ảnh. Chị luôn muốn diễn tả cái tâm trong sáng của nhân vật: Thị Nở là người phụ nữ khao khát được yêu, ước mong cuộc sống no đủ, thèm bàn tay đàn ông vuốt ve âu yếm, ôm ấp an ủi... Đó là khát khao của mọi người phụ nữ. Mơ ước đó giản dị như bao nhiêu người đàn bà khác nhưng ở Thị Nở vĩnh viễn không có được. Số phận quá cay nghiệt với Thị Nở.
Đức Lưu bảo chị giống Thị Nở ở sự hồn hậu và vô tư trong tâm hồn. Chị thương cảm, “thân phận người đàn bà dưới thời phong kiến, chịu thiệt thòi nhất vẫn là chị em nông thôn. Họ không thể cưỡng lại số phận do ông trời sắp đặt mà đành chấp nhận như định mệnh”.
Thị Nở với trái tim của “nguời đàn bà dở hơi” nhưng lại đủ sức mạnh để biến Chí Phèo thành người lương thiện. Đức Lưu nhập vai và nhận ra ở mỗi người phụ nữ Việt Nam không chỉ có thiên chức làm vợ, làm mẹ mà còn có thể cải hoá tâm hồn người đàn ông. Bát cháo hành Nở nấu cho Chí làm kẻ suốt ngày uống rượu say, ăn vạ, rạch mặt, chửi cả Làng Vũ Đại rung động, nhận ra tình yêu. Chí Phèo phải thốt lên “Con Nở trông người xinh đáo để”. Hoá ra cái đẹp là trong đáy mắt kẻ si tình.
Tôi hỏi “nguyên nhân nào làm chị nhập vai nhanh vậy?” “Mình phải sống với nhân vật và lột tả được cái hồn của họ. Muốn làm thể phải hiểu và đọc, thuộc mỗi động tác, cử chỉ như nhà văn Nam cao mô tả trong tác phẩm”, Đức Lưu cười tự tin. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự thành công trong vai Thị Nở.
Đến nay ngẫm lại, chị vẫn ngạc nhiên thầm hỏi “Hồi đó có cảnh quay Thị Nở nhặt quả rụng ăn bị trẻ con chạy theo cười nhưng mặc kệ, vẫn ăn tự nhiên; Rồi lại cảnh ‘yêu Chí Phèo’ tênh hênh dưới ánh trăng...” lúc đó đạo diễn cho quay một lần, thay cảnh một phút. Đóng khó như vậy nhưng bằng tình yêu nghệ thuât, sự am hiểu tác phẩm, chị thể hiện nhân vật hơn cả sự mong đợi của đạo diễn.
Đức Lưu buồn, nhìn tôi tâm sự: Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, đời người ngắn ngủi, mới đó mà đã mấy chục năm từ khi mình vào vai diễn Thị Nở. Hiện nay nghệ sĩ Đức Lưu có mái ấm gia đình hạnh phúc bên chồng cùng với hai người con thành đạt. Còn gì hơn thế nữa. Nhưng sâu thẳm trong trái tim chị vẫn nhớ về ký ức về một thủa sống trên chiến trường cùng với tình yêu đầu trong những năm đạn lửa.
Theo CAND