Nếu các cô dâu mới đều e ngại mẹ chồng thì tôi lại thuộc “trường phái” ngại bố chồng hơn. Bố chồng tôi là người khá cổ hủ, khó tính, gia trưởng lại hay săm soi. Ngay từ khi về ra mắt gia đình, tôi không nhận được nhiều thiện cảm của ông. Mặc dù, vợ chồng tôi không sống chung cùng gia đình chồng nhưng khoảng cách ông tạo ra khiến tôi rất dè chừng khi tiếp xúc.
Mới làm dâu được vài ngày, tôi đã bị ông “phủ đầu” cho một trận. Sau này, tôi mới biết, vì tôi học hành hơn chồng nên ông sợ nếu không cứng ngay từ đầu, tôi sẽ “đè đầu cưỡi cổ” chồng. Những món ăn tôi nấu, ông đều chê không quên kèm theo lời dạy bảo “Bằng cấp nhiều chưa chắc đã làm vợ tốt”. Ông tổ chức họp gia đình để yêu cầu tôi phải xem trọng việc nhà chồng, làm gì cũng phải xin ý kiến. Thực sự, tôi rất bực bội khi ông đem tôi ra giáo huấn giữa cả nhà trong lúc tôi chưa hề làm gì có lỗi. Cái cảm giác của tôi lúc đó là chỉ muốn nhanh hết kì nghỉ phép để đi làm, không phải ở nhà chồng nữa.
Khi chúng tôi ở riêng, ông hay than vãn với mọi người là tôi không biết cách cư xử, không quan tâm đến gia đình chồng. Lý do cũng không có gì to tát chỉ vì tôi bận quá nên không gọi điện hỏi thăm thường xuyên.
Lúc đầu, tôi định buông xuôi, kệ ông muốn làm gì thì làm vì tôi không sống chung. Nhưng nhìn vẻ mặt chồng buồn rầu mỗi lần về thăm nhà thì tôi biết, ông không hài lòng với tôi. Vì thương chồng, tôi quyết định thay đổi “chiến thuật”, chuyển từ “makeno” sang chiều theo ý của ông. Biết tính ông thích được quan tâm, hỏi han nên đều đặn 3 lần 1 tuần, tôi gọi điện cho ông dù chỉ để hỏi: “Bố đang làm gì đấy, bố có khỏe không?”. Sau một tháng, ông bắt đầu gọi điện hỏi han ngược lại. Dù bận đến mấy nhưng hai tuần, tôi đều thu xếp về quê thăm nhà chồng. Mỗi lần về, tôi đều mua quà cho ông, mua hoa quả thắp hương cúng ông bà, đi thăm hỏi bà con hàng xóm.
Ông tỏ vẻ vui ra mặt khi thấy tôi biết quan tâm đến cuộc sống ở quê. Chuyện lớn hay chuyện nhỏ gì trong gia đình như sửa nhà hay đặt tên cho con, tôi đều hỏi qua ý kiến của ông kèm theo câu: “Bố thấy thế có được không?” “Nên làm như thế nào hả bố”. Dường như những hành động đó khiến ông có cảm giác được đề cao và có vai trò quan trọng nên lần nào ông cũng chỉ dẫn tận tình. Trước mặt ông, tôi không bao giờ cự nự với chồng mà chỉ một điều “vâng dạ” dù có những việc tôi sẽ bàn bạc lại sau. Những lần giỗ chạp, nếu không về được tôi đều gọi điện xin phép ông hoặc về trước vài ngày để thắp hương…
Đến nay, tôi lấy chồng đã được ba năm, những khúc mắc trong ngày đầu làm dâu đã được tháo gỡ. Nghĩ lại, nếu tôi cố chấp, không chịu thay đổi cách cư xử thì không biết mối quan hệ với bố chồng sẽ ra sao. Tôi nghĩ, trong bất cứ trường hợp nào cũng nên dẹp bỏ tính tự ái cá nhân trước, bởi quý gia đình chồng chính là điều kiện để chồng thương mình hơn. Dù những yêu cầu của nhà chồng có vẻ khắt khe nhưng nếu mình biết dung hòa thì mọi chuyện sẽ dễ thở hơn nhiều khi mọi người đã hiểu nhau hơn.
Đôi điều chia sẻ về câu chuyện của mình để thấy rằng: không quá việc gì sức khi ta dùng yêu thương để hóa giải…
Theo HÒA BÌNH (PNO)