Chiều 30-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD.
Đặt mục tiêu năm 2020 Việt Nam cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để cán đích năm thứ 5 Việt Nam xuất siêu.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2000-2019 của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD, trong đó, chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD, cao hơn xuất nhập khẩu của cả giai đoạn 2000-2014 cộng lại.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các Bộ, Ngành và địa phương, thời gian qua Việt Nam đã liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, bước vào năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 30 tỷ USD. Đến năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đến năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Đến năm 2015, xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt mức 400 tỷ USD và đến nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD.
Đến nay, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu.
Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, sau Singapore và Thái Lan.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt 297,87 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước 11 tháng năm 2019 đạt 15,1%, duy trì 3 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trên 10%.
Trước đây, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam.
Liên quan đến triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 10/12/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,7 triệu hồ sơ của khoảng 34.000 doanh nghiệp.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, tính đến ngày 10/12/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 144.000; trong đó, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước thành viên ASEAN là 188.000. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD).
Biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đóng góp vào kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, đặc biệt có sự tham gia các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất xuất nhập khẩu để có được những thành tựu trên.
Chúng ta đã gỡ những thể chế liên quan, nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, các giải pháp cụ thể để hỗ trợ xuất nhập khẩu, đưa ra các biện pháp, định hướng thúc đẩy công tác xuất khẩu. Năm 2019, Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD, hoạt động xuất nhập khẩu trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công thương và các bộ, ngành trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do và qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại của nước ta, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt các cơ chế kiểm soát nhập khẩu. Bên cạnh các cơ quan trong nước thì các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đã làm tốt vai trò cầu nối để đưa hàng hóa Việt Nam sang các thị trường quốc tế.
Thủ tướng đánh giá cao một số ngành đã thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, trong đó có ngành chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu năm nay có thể đạt trên 11 tỷ USD, nông nghiệp đạt trên 41 tỷ USD.
Cùng với tăng kim ngạch xuất khẩu thì tỷ lệ xuất khẩu thô đã giảm, thay vào đó là xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Một số mặt hàng tăng kim ngạch tăng quy mô, năm 2019 có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, 32 mặt hàng có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần tận dụng thời cơ tốt, phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, tiếp tục đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu 2 chiều.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng sản lượng hàng qua chế biến để Việt Nam sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các nước.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Đặt mục tiêu năm 2020 Việt Nam cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương trên cả nước phối hợp chặt chẽ hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, cán đích năm thứ 5 Việt Nam xuất siêu.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp, hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI; tiếp tục công tác phòng vệ, bảo vệ hàng Việt Nam, hạn chế những sản phẩm tiêu cực, không cần thiết để bảo vệ các mặt hàng chủ lực; tránh kiện tụng trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch; giảm chi phí xuất nhập khẩu cho các mặt hàng; đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ phát triển xuất nhập khẩu ở các địa phương…/.
Theo TTXVN