Linh hoạt tổ chức dạy và học trực tuyến

Cập nhật: 10-09-2021 | 08:14:56

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong 2 tháng đầu năm học mới 2021- 2022, học sinh (HS) tỉnh nhà sẽ học bằng hình thức trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã sẵn sàng các điều kiện để thầy trò dạy và học từ xa.

 Theo kế hoạch, trong 2 tháng đầu năm học 2021-2022, HS Bình Dương sẽ học bằng hình thức trực tuyến để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19

 Kết nối với học sinh

Theo thông lệ hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, sau khi tuyển sinh đầu cấp, các trường tổ chức xếp lớp, phân công giáo viên chủ nhiệm. Ngày tựu trường, thầy trò gặp nhau, sinh hoạt nội quy, xây dựng nề nếp học tập... Tuy nhiên, trong năm học mới 2021-2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, các công việc trên đều được thực hiện qua hình thức online. Đầu năm học mới, thầy trò sẽ dạy và học bằng hình thức trực tuyến. Trên cơ sở này, từ cuối tháng 8, các trường đã thông báo cho phụ huynh, HS qua nhóm Zalo danh sách HS được xếp vào lớp học trong năm học mới. Qua trao đổi, lãnh đạo các Phòng (GD-ĐT) cho biết đến nay các trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đồng thời kết nối với tất cả HS.

 “Sở đã chỉ đạo các trường tiểu học, đối với HS lớp 1, 2 chủ yếu quay các clip hướng dẫn cha mẹ cần chuẩn bị các điều kiện cho con em đến trường; cách chuẩn bị cho con em khi học trực tuyến và các bài giảng nhẹ nhàng cách đọc âm, vần mới… Cha mẹ có thể xem và hỗ trợ cho con em tập đọc hoặc làm quen chữ số, bài toán dưới dạng đố vui để học. Các nhà trường cần phối hợp tốt với cha mẹ HS để trao đổi kế hoạch, thời gian biểu phù hợp; khi dạy trực tuyến cần đưa vào một số trò chơi học tập nhằm tạo không khí vui vẻ, tránh gây nhàm chán, quá tải cho HS”.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Ngoài việc sắp xếp lớp học, phần việc quan trọng nhất là triển khai hoạt động dạy học trực tuyến. Chuẩn bị cho năm học đặc biệt, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện hướng dẫn dạy học qua internet, truyền hình để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sở chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các trường và trung tâm giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, xây dựng các phương án để triển khai thực hiện linh hoạt, kịp thời, phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh ở địa phương, địa bàn. Đặc biệt, hình thức dạy - học trực tuyến phải được các đơn vị cơ sở chú trọng, triển khai thường xuyên để tăng thời lượng cho HS được ôn luyện xuyên suốt năm học.

Từ chỉ đạo của sở, các đơn vị, trường học thành lập tổ công nghệ thông tin hỗ trợ giáo viên trong việc dạy học bằng nhiều hình thức trực tuyến. Đối với các trường, hiệu trưởng phân công chuyên môn kịp thời để giáo viên hỗ trợ nhau trong việc liên hệ cha mẹ HS của lớp tạo nhóm Zalo chuẩn bị học trực tuyến trong thời gian tới. Đối với cấp tiểu học, ngành lưu ý các trường nghiên cứu mua một số chương trình giảng dạy, soạn bài hay để hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy trực tuyến.

Nâng cao chất lượng hoạt động dạy học trực tuyến, Sở GD-ĐT và các Phòng GD-ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở tất cả các môn học. Lãnh đạo Sở GD-ĐT còn cho biết trong năm học mới ngành sẽ tăng cường trang thiết bị giảng dạy cho các đơn vị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng được việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, giảng dạy phù hợp.

Linh hoạt hình thức dạy trực tuyến

Theo kế hoạch của tỉnh, trong 2 tháng đầu năm học mới, HS tỉnh nhà sẽ học bằng hình thức trực tuyến để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là hình thức học tập tuy không mới nhưng trong quá trình thực hiện ngành cũng gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiện nay nhiều HS là con em công nhân ở các khu công nghiệp, gia đình vùng xa không đủ điều kiện mua thiết bị cho con em tham gia học trực tuyến. Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian ngoài giờ dạy - học trực tuyến để tăng cường dạy bổ sung kiến thức cho các em HS gặp khó khăn không thể tham gia học trực tuyến bằng các hình thức khác.

Triển khai dạy học trực tuyến, huyện Dầu Tiếng gặp không ít khó khăn khi có một số HS không có thiết bị học tập, có nơi mạng internet kém. Ông Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng, cho biết để các em không bị thiệt thòi, ngành đã tính toán nhiều phương án. Qua rà soát, hiện nay Dầu Tiếng có trên 10% HS không có điều kiện học trực tuyến. Với những trường hợp này, giáo viên sẽ photocopy bài giao cho HS. Ấp Hòa Lộc thuộc xã Minh Hòa không có internet, do đó ngành có phương án tổ chức cho HS của trường Tiểu học Hòa Lộc học trực tuyến tại phòng máy của trường, nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Phòng còn chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức dạy trực tuyến vào buổi chiều hoặc buổi tối, thậm chí là vào ngày nghỉ cho các HS không thể tham gia khung thời gian học cố định.

Bình Dương là tỉnh tập trung đông công nhân lao động, lượng HS con em người lao động cũng chiếm tỷ lệ cao. Ông Trần Văn Đông, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Tân Uyên, cho biết qua rà soát toàn thị xã có khoảng 40% HS không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Với số HS này, khi các em trở lại trường lớp, các trường sẽ tổ chức dạy riêng để theo kịp bạn bè. “Đối với hoạt động dạy học trực tuyến, trong cuộc họp giao ban tiểu học, phòng đã chỉ đạo các trường linh động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của trường. Sắp tới đây chúng tôi thành lập các nhóm giáo viên theo môn học. Theo đó, thầy cô sẽ chia sẻ bài dạy cho nhau qua việc gửi clip các tiết dạy”, thầy Đông nói.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=424
Quay lên trên
X