Lừa đảo bằng sổ đỏ

Cập nhật: 23-04-2014 | 00:00:00

Bán trái cây ở chợ Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, Phạm Mộng Trinh, SN 1970 bỗng chốc trở thành “đại gia” trong lĩnh vực cầm đồ; những ai cần vay tiền cứ mang sổ đỏ đến thế chấp. Và cũng từ những sổ đỏ này, Trinh và đồng phạm đã “phù phép” để chiếm đoạt tiền của không ít người.

Thuê làm “chủ đất”!

Từ năm 2008-2009, Phạm Mộng Trinh cùng đồng bọn đã thực hiện trót lọt 25 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người. Khi hành vi bị phát hiện, 25 đối tượng đã bị bắt. Điều đáng nói là không ít người đã nghe Trinh dụ dỗ, lôi kéo người thân trong gia đình tham gia vào đường dây lừa đảo này và chỉ được trả công vài trăm ngàn đồng sau khi đứng ra “đóng vai” chủ đất, đứng ra thực hiện giao dịch hàng trăm triệu đồng.  

 Sổ đỏ trở thành phương tiện để Phạm Mộng Trinh lừa đảo

Một ngày đầu năm 2007, một phụ nữ mang đến thế chấp cho bà Trinh một sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Tươi, SN 1955, mảnh đất rộng 918m2 tại phường Dĩ An, TX.Dĩ An. Sổ đỏ này được thế chấp 40 triệu đồng. Thực ra, trước đó gia đình bà Tươi đã làm mất sổ đỏ này và đã được cấp lại sổ mới. Sau thời gian thế chấp sổ đỏ vay tiền, người phụ nữ kia không quay lại nên Trinh nảy sinh ý định “dùng sổ đỏ này đem thế chấp cho người khác” để lừa tiền. Trinh bảo Nguyễn Thị Diễm Hồng, là người giúp việc nhà về chở mẹ của cô ta là bà Kiều Thị Lãnh đến cho Trinh nhờ chút việc. Trinh nhờ bà Lãnh đóng vai bà Tươi; đứng ra ký bán mảnh đất như tên trong sổ đỏ. Bà Lãnh đồng ý và đưa cho tấm ảnh 3x4; Trinh làm ngay tờ đơn cớ mất chứng minh nhân dân với tên Nguyễn Thị Tươi rồi dùng ảnh của bà Lãnh dán vào. Sau đó, Trinh còn làm đủ loại giấy tờ xác minh tình trạng bất động sản, tình trạng hôn nhân của “bà Tươi” rồi đưa cho đồng bọn là Châu Thanh Dân mang đến Công an phường Dĩ An ký xác nhận. Dân đưa số giấy tờ này cho Huỳnh Hữu Hãn để bổ sung thông tin cá nhân của người đứng đơn rồi ký khống vào đó, trước khi mang đến công an địa phương xác nhận. Hãn dù không biết bà Tươi là ai nhưng vẫn thực hiện.

Khi đã có trong tay các giấy tờ xác nhận của công an địa phương, Trinh kêu Nguyễn Thị Thanh Vân đi gặp bà Nguyễn Thị Lan Hương, nói có người cần vay gấp 400 triệu đồng bằng hình thức thế chấp sổ đỏ. Hương đồng ý cho vay thông qua hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngay sau đó, Trinh kêu Nguyễn Thị Tài chở bà Kiều Thị Lãnh đóng giả vai bà Nguyễn Thị Tươi đến ngay Phòng công chứng số 2 làm hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Hương để vay 400 triệu đồng. Hợp đồng được ký kết hoàn tất, Hương trừ ngay 24 triệu đồng tiền lãi (6%/tháng) trên tổng số tiền cho vay. Ngoài ra, Hương còn trừ tiếp 40 triệu đồng là khoản tiền dịch vụ. Tính ra bên vay chỉ còn nhận 336 triệu đồng. Số tiền này vào túi của Trinh. Để trả công cho những người giúp sức cho mình vào việc lừa đảo, Trinh cho Châu Thanh Dân 100.000 đồng, bà Tài 500.000 đồng, bà Kiều Thị Lãnh 300.000 đồng…

Cũng bằng thủ đoạn trên, Trinh kêu đàn em Châu Thanh Dân về rủ chị ruột là Châu Kim Phượng đóng giả vai bà Nguyễn Thị Dung, chủ mảnh đất rộng hơn 900m2 tại phường Đông Hòa, TX.Dĩ An cần cầm cố sổ đỏ vay tiền làm ăn. Sau khi đưa các đơn cớ mất chứng minh nhân dân; xác nhận tình trạng hôn nhân; tình trạng bất động sản cho Huỳnh Hữu Hãn mang đến Công an phường Dĩ An xác nhận xong; Trinh đã dùng thủ đoạn lừa chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Lan Hương 300 triệu đồng. Vì tin tưởng vào Trinh và món lợi nhuận 6%/tháng mà bà Hương đã “sập bẫy”! Phi vụ đó thành công, Châu Kim Phượng được Trinh chi trả 200.000 đồng.

“Biến” của người thành của mình!

Khi cho vay tiền bằng hình thức thế chấp sổ đỏ, rồi thuê người đóng giả vai chủ đất, Phạm Mộng Trinh “biến” nhiều sổ đỏ trước kia chỉ nhận thế chấp vài chục triệu đồng đã “tăng giá trị” lên hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xác nhận những loại giấy tờ, như: đơn cớ mất chứng minh nhân dân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tình trạng tài sản… một cách dễ dàng; trong khi người nộp những loại giấy tờ này để xác nhận lại là người không hề có liên quan, đó là Huỳnh Hữu Hãn. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Hãn là người cung cấp nước khoáng cho một số cơ quan ở phường Dĩ An nên quen mặt. Vì vậy, khi Châu Thanh Dân nhờ Hãn lợi dụng sự quen biết này để trình ký giúp các loại giấy tờ thì Hãn đồng ý ngay. Thậm chí, có những tờ đơn thiếu thông tin thì Hãn tự tay điền vào rồi ký khống luôn mà chẳng cần biết họ là ai?! Do có sự quen biết nên những hồ sơ này dễ dàng được ký xác nhận mà không qua kiểm tra, xác minh. Mỗi bộ hồ sơ mà Hãn đem trình ký trót lọt, hắn được trả công 1 triệu đồng.

Nhờ có đường dây hoạt động khá chuyên nghiệp, biết khai thác “thế mạnh” của từng người mà Mộng Trinh đã thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo và những người bị lừa không chút nghi ngờ. Chỉ riêng bị hại Nguyễn Thị Lan Hương đã bị lừa chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng. Thông thường, cứ một sổ đỏ thì Trinh đưa được hai nạn nhân vào tròng. Một số chủ đất cũng choáng váng khi mang sổ đỏ cầm cố cho Trinh để có tiền lo liệu chuyện nhà cũng bị Trinh cho “ăn quả đắng”! Như trường hợp của bà Phan Thị Hoa, ngụ Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An. Vì con trai gây tai nạn giao thông và cần tiền lo việc bồi thường cho phía nạn nhân, bà Hoa đã mượn sổ đỏ của em mình là Phan Bá Cường đưa đến cầm cố cho Trinh với mức 70 triệu đồng. Có sổ đỏ này trong tay, Trinh nhờ một thanh niên mới quen đóng giả vai anh Phan Bá Cường, rồi kêu Nguyễn Thị Diễm đóng giả là vợ anh Cường. Cả hai được Trinh và đồng bọn “phù phép” một số giấy tờ cần thiết; rồi cũng với những kịch bản trước đó, Trinh đã nẫng gọn của bà Hương 400 triệu đồng. Đến khi có đủ tiền chuộc lại sổ đất trên, gia đình bà Hoa đến gặp Trinh thì họ “chưng hửng” khi biết sổ đỏ của họ đã bị giao cho người khác.

Bài 2: Một bước lên “đại gia”!

  L.CHÂU- T.TRINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên