Hiện nay, mạng lưới internet phát triển và phổ cập rộng rãi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển và mang lại cho chủ thể kinh doanh những giá trị và lợi ích to lớn. Chủ thể tham gia hoạt động TMĐT bên cạnh việc tuân thủ các quy định trực tiếp về TMĐT, còn phải thực hiện các quy định pháp luật liên quan khác như đầu tư kinh doanh, thương mại, dân sự. Pháp luật về TMĐT được xem là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông qua TMĐT an toàn, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.
Đạo diễn chương trình giao lưu trực tuyến tại Báo điện tử Báo Bình Dương
NGUYÊN TẮC TỰ DO, TỰ NGUYỆN THỎA THUẬN TRONG GIAO DỊCH TMĐT
Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nguyên tắc số một trong giao dịch TMĐT là tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch TMĐT. Theo đó, các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.
Theo Nghị định này, nguyên tắc thứ hai là xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong TMĐT. Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website TMĐT không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.
Nguyên tắc thứ ba của Nghị định 52 là xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Theo đó, người sở hữu website TMĐT bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ TMĐT phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng; Khách hàng trên website cung cấp dịch vụ TMĐT là người tiêu dùng dịch vụ TMĐT và là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người bán trên website này cung cấp; trường hợp người bán hàng trực tiếp đăng thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình trên website TMĐT thì thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT và thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng không phải là bên thứ ba cung cấp thông tin theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Và nguyên tắc thứ tư của nghị định này là kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thông qua TMĐT. Các chủ thể ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
DN ĐƯỢC TỰ DO ĐẦU TƯ, KINH DOANH TẤT CẢ CÁC NGÀNH, NGHỀ MÀ LUẬT KHÔNG CẤM
Điểm mới liên quan đến hoạt động TMĐT theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật DN năm 2014 là DN được tự do đầu tư, kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Luật Đầu tư năm 2014 có nhiều nội dung mới bảo đảm hành lang pháp lý mở rộng thu hút đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động đầu tư, đem lại lợi ích tốt nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm mới nổi bật trong Luật Đầu tư năm 2014 là các vấn đề liên quan đến nguyên tắc về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo pháp luật loại trừ, theo đó các nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư, kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Luật DN năm 2014 đã tách riêng thủ tục thành lập DN với các thủ tục về đầu tư dự án, chứng nhận đầu tư, tạo cơ hội về khả năng gia nhập thị trường cho DN; bãi bỏ quy định đề nghị DN cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. DN được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; theo xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử thì việc sử dụng con dấu có sự thay đổi. DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN theo quy định của pháp luật; đồng thời, có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Không phải tất cả văn bản của DN phải đóng dấu mà chỉ đóng dấu vào văn bản nào pháp luật quy định hoặc đối tác yêu cầu phái có dấu. Trước đây, theo Luật DN năm 2005 quy định, DN Nhà nước là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, thì nay theo Luật DN 2014 quy định, DN Nhà nước là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
NGUYÊN TẮC TỐI CAO LÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI DN VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG
Đã có hành lang pháp lý về TMĐT, song ngành chức năng vẫn hết sức lo lắng do tội phạm về TMĐT ngày càng tinh vi. Theo đánh giá của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, trong vòng 5 năm tới, thị trường TMĐT sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Hạ tầng internet, công nghệ thông tin truyền thông cho TMĐT phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao “tấn công”. Chính vì điều đó, trong những năm tới tình hình vi phạm trong TMĐT sẽ diễn biến hết sức phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi hơn về cả quy mô và mức độ. Cục TMĐT và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật và phối hợp với các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… trong việc xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để trục lợi, lừa đảo. Đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhóm các website cung cấp dịch vụ TMĐT, cần tăng cường công tác cảnh báo tới người tiêu dùng, nhằm mục tiêu minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm lòng tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến.
Tại Bình Dương, Ban chỉ đạo chương trình Công nghệ thông tin và Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại cùng lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thống nhất một số nội dung phối hợp trong thời gian tới, như tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, phối hợp tổ chức nhiều buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, nhằm thực thi pháp luật về TMĐT và nâng cao chất lượng công tác quản lý của hai đơn vị, nhằm mục đích bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi DN và người tiêu dùng.
Ở Việt Nam trong thời gian qua số lượng các vụ tranh chấp về TMĐT có xu hướng ngày càng gia tăng, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến thông tin cá nhân; về hình thức giao kết hợp đồng thương mại; liên quan tới tội phạm trên không gian mạng. Khảo sát về tình trạng lừa đảo TMĐT tại Việt Nam cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tranh chấp là người bán không chuyển hàng hoặc hàng giao không đúng như mô tả. Do vậy, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng việc lựa chọn website uy tín, bảo đảm về chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý là điều quan trọng khi quyết định mua hàng qua mạng. Một website TMĐT uy tín phải hiện thị đầy đủ các thông tin về người bán, thông tin sản phẩm, quy trình mua hàng rõ ràng, quy trình thanh toán và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, phải có chính sách bảo mật thông tin và giải quyết khiếu nại phát sinh hợp lý.
Theo nhận định của VECOM, hiện nay các website đa phần vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhiều trường hợp sau khi có được thông tin của khách hàng đã bán lại hoặc để lộ, gây hậu quả nghiêm trọng như một số vụ mất cắp tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, khi cần giải quyết những vấn đề liên quan đến khiếu nại hàng hóa, người mua hàng cũng không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, để bảo đảm việc mua bán trực tuyến được diễn ra hiệu quả và mang lại lợi ích song phương, điều cơ bản nhất người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về các website TMĐT đạt tiêu chuẩn uy tín để giao dịch.
BẢO ANH