Ngành gỗ nhìn từ nội lực

Cập nhật: 14-06-2018 | 09:09:30

Định hướng phát triển ngành gỗ theo hướng bền vững đang là trăn trở của ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ cả nước. Các doanh nghiệp (DN) gỗ Bình Dương cũng không nằm ngoài những trăn trở này… Theo nhiều DN, đã tới lúc phải có cái nhìn thấu đáo về nội lực ngành gỗ để có bước chấn chỉnh đưa ngành gỗ đi lên.


Dù có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng DN gỗ Bình Dương cần củng cố nội lực để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH gỗ Tường Văn (Bắc Tân Uyên). Ảnh: XUÂN THI

Xuất khẩu tăng nhưng vẫn lo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản 3,12 tỷ USD, tăng 9,7%; các mặt hàng lâm sản chính 3,4 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đã vượt lên trên thủy sản, tiếp tục trở thành mặt hàng dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Dù có mức tăng trưởng tốt trong mấy năm gần đây nhưng vẫn chưa làm các DN ngành gỗ an tâm. Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc Công ty gỗ Ánh Dương (TX.Dĩ An) chia sẻ, hiện cả nước có 4.000 DN chế biến gỗ, riêng tại Bình Dương là hơn 600 DN, với 1.500 DN xuất khẩu gỗ sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng của ngành nếu nguồn nguyên liệu ổn định và cơ chế tốt từ Chính phủ. Tuy nhiên, các DN hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các DN nước ngoài (nhập khẩu sản phẩm gỗ) cũng như từ kiến nghị chống bán phá giá tại các thị trường chủ lực Mỹ, EU.

Ngành gỗ Bình Dương hiện nay có thể phân thành 3 loại hình DN. Đó là DN có đủ tiềm năng tham gia trồng rừng cho tới chế biến, xuất khẩu; DN mua nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu; DN vừa và nhỏ cũng tham gia xuất khẩu, nhưng không đủ năng lực để làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Theo các chuyên gia, các DN vừa và nhỏ không đủ năng lực, do vậy về chất lượng sản phẩm, tiến độ sản xuất không bảo đảm, lúc đó họ sẽ phải gom hàng và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường sản xuất, xuất khẩu.

Củng cố nội lực

Ngành gỗ cả nước đang có lợi thế là lương nhân công rẻ, thấp hơn 50% so với Trung Quốc, thấp hơn cả Thái Lan, Malaysia. Do vậy, sẽ có sự dịch chuyển về nơi có giá sản phẩm cạnh tranh hơn. Nhưng tới lúc nào đó sự tiệm cận về lượng, yếu tố lợi thế nhân công giá rẻ của ngành gỗ sẽ không còn. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm từ các DN gỗ để có những bước chuẩn bị kỹ càng cho việc củng cố nội lực, huy động mọi nguồn lực cho chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu trong tương lai.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, đặc trưng của ngành gỗ cả nước là phát triển tự phát từ 25 năm trở lại đây, nhưng may mắn là đi đúng hướng nên đã thực sự phát triển trở thành một mã hàng đem về kim ngạch xuất khẩu lớn cho cả nước. Nhưng để ngành gỗ thực sự phát triển bền vững, cơ quan quản lý nhà nước cần tác động vào các vấn đề lớn như hỗ trợ thực hiện tiếp thị vì hầu hết các DN Việt Nam không giỏi tiếp thị và quảng bá sản phẩm; ban hành các chính sách ưu đãi xuất, nhập khẩu…

Ông Thanh cho biết thêm ngành gỗ nội địa đang chưa được khai thác hết tiềm năng. Dưới góc độ chế biến, hàng Việt làm ra cho người Việt tiêu dùng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều và tốt hơn cho người nước ngoài dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn về bức tranh tổng thể về thị trường trong nước và xuất khẩu không chỉ định hướng đưa ngành gỗ cả nước tăng thị phần trên thị trường xuất khẩu, mà còn giữ vững được thị trường đồ gỗ nội địa.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ cả nước đang có sự dịch chuyển theo hướng tăng cả chất và lượng. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ trong nước có sự khởi sắc rất đáng kể. Quy mô phát triển tương đối lớn và ngành gỗ đang đứng trước ngưỡng cửa để tạo ra những đột phá mới. Cơ quan quản lý nhà nước đang đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết ngành gỗ cũng như định hướng thị trường tạo ra yếu tố quyết định phát triển của ngành. Để tăng sức mạnh nội lực cho ngành gỗ, cần có các cơ chế chính sách khuyến khích hình thành các cơ sở đào tạo nghề chuyên ngành gỗ; đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của DN; chú trọng các loại hình kiến thức và tay nghề tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, các DN cũng cần đẩy mạnh cải tiến công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành sản phẩm.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên