Nhiều người bị chó, mèo và vật nuôi cắn, cào khi đi chúc Tết, du Xuân nên tỷ lệ người tiêm vaccine dại sau Tết tại các trung tâm tiêm chủng trên cả nước tăng cao đột biến.
Ngày 19-2, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, qua thống kê từ ngày 13/2 đến ngày 15/2 ( tức mùng 4 đến mùng 6 Tết) tại hơn 160 trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC trên cả nước đã ghi nhận trên 3.000 người tiêm ngừa dại, tăng hơn 60% so với ngày thường.
Nhiều người phải đi tiêm vaccine phòng dại vì bị chó, mèo cắn sau kỳ nghỉ Tết.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, kỳ nghỉ Tết dài ngày, rất nhiều người từ các thành phố lớn đổ về quê ăn Tết. Trong khi đó, số lượng chó, mèo, vật nuôi thả rông tại nông thôn nhiều hơn so với thành thị khiến nhiều người bị chó, mèo, vật nuôi cắn, cào, liếm... gia tăng, số lượng người phơi nhiễm với dại tăng cao. Điều này khiến cho số lượt tiêm vaccine phòng dại sau Tết tăng cao.
Tại Việt Nam, thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh dại rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, rất có thể thời kỳ cao điểm của bệnh dại có thể đến sớm hơn và gia tăng nhanh chóng vào năm nay, thậm chí tăng nhiều hơn so với năm 2023, đặc biệt tăng mạnh vào những ngày đầu tiên của Xuân Giáp Thìn 2024.
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong thời gian Tết, đơn vị này cũng tiếp nhận một số trường hợp ở tỉnh chuyển đến vì bị chó dại cắn, trong đó có trường hợp chuyển nặng không qua khỏi. Điển hình như trường hợp của bé gái 4 tuổi ngụ tỉnh Bình Thuận tử vong sau 9 ngày bị chó cắn tại vùng mặt, trán, quanh mắt và gò má trái.
Bác sĩ Chính thông tin, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Virus dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không.
Bệnh có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7 - 10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, vài năm phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Theo bác sĩ Chính, bệnh có thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình của thể hung dữ là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2 - 4 ngày kể từ khi khởi phát. Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.
Bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý, khi bị chó mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cào, cần sơ cứu vết thương để giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay tại nhà gồm rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn iốt.
Sau bước sơ cứu, cần đến ngay trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tuyệt đối không nên nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến virus dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể.
Vaccine dại được khuyến cáo cần tiêm đủ phác đồ trong lần tiêm đầu tiên sau phơi nhiễm. Các lần tiêm sau chỉ cần bổ sung 2 mũi. Đối với vết thương nặng cần kết hợp tiêm huyết thanh. Tùy vào mức độ vết thương, bác sĩ có thể tư vấn tiêm thêm vaccine uốn ván.
Bác sĩ Chính khuyến cáo thêm, người thường xuyên tiếp xúc với động vật, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cao có thể chủ động dự phòng vaccine trước khi bị cào, cắn. Bốn nhóm người được khuyến cáo tiêm dự phòng dại trước phơi nhiễm gồm: các khu dân cư lưu hành bệnh dại và ít được tiếp cận kịp thời và đầy đủ với điều trị sau phơi nhiễm; người thường xuyên tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao lây nhiễm (bác sĩ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm, người xử lý động vật, kiểm lâm…); người di chuyển đến các khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh dại; trẻ em sống hoặc đến các khu vực xa xôi, có nguy cơ cao (khi chơi với động vật, trẻ có thể bị cắn hoặc gây xước da nhưng có thể không báo với cha mẹ hoặc người thân).
Theo TTXVN