Mái ấm của con em đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

Cập nhật: 03-04-2017 | 18:09:39

Trước những mảnh đời bất hạnh các cháu nói chung và con em đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khó khăn nói riêng, Ban Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An (cơ sở) đã đưa các em về với mái nhà chung. Mái nhà này không chỉ lo cho các em miếng ăn, giấc ngủ mà còn lo cả việc học hành để nâng bước các em có được tương lai tươi sáng. Đặc biệt, mái nhà ấy hầu hết là con em người ĐBDTTS có hoàn cảnh đặc biệt ở các tỉnh gửi về.

Các em được học thêm vào mỗi buổi tối để củng cố kiến thức

Chắp cánh ước mơ

Một chiều cuối tuần, chúng tôi tìm đến cơ sở để thăm các em nhỏ đặc biệt nơi đây. Bước qua cánh cổng luôn rộng mở, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt hồn nhiên, vô tư và nghe những lời chào thật lễ phép phát ra từ giọng nói lơ lớ của các em là con em ĐBDTTS. Tâm sự với chúng tôi, Linh mục Giuse Ngô Xuân Hiến, Giám đốc cơ sở cho biết, ở đây hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 71 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 42 em là ĐBDTTS (dân tộc M’Nông nhiều nhất với 29 em, H’Mông 5 em, Khmer 3 em, Mạ 4 em). Các em hầu hết là con em ĐBDTTS tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước gửi về chăm sóc.

Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh cơ sở, gặp em nào, các thầy nắm rất rõ về cuộc sống của em ấy trước khi vào đây. Chỉ tay về một bé gái đang cầm cuốn sách lớp 7, thầy Trần Công Phiếu, phụ trách dạy học nói, đó là Hát Thị Phương, dân tộc M’Nông, ở Đăk Nông. Phương có đứa em trai 2 tuổi, gia đình rất nghèo. Nhận được đơn xin vào cơ sở, các thầy đã đến nhà, địa phương xác minh và đưa Phương về đây học tập. Rồi đến em Ngưu Thị Lang, dân tộc Khmer; em Lò Thị Mai, dân tộc H’Mông… cứ thế những câu chuyện về cuộc đời các em dần được “vẽ” lên trên bức tranh đầy màu sắc. Qua lời kể của thầy, chúng tôi thấy rằng mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi ba mẹ, em thì mất mẹ, hoặc ba, hay gia đình quá nghèo… nhưng các em có chung niềm ao ước là được đi học, có được tương lai tương sáng. Và, cũng vì vậy mà các em được đưa về đây để thực hiện điều mơ ước ấy.

Định hướng tương lai

Đến với cơ sở, điều chúng tôi quan tâm là những phòng học tập của các em được bố trí cẩn thận với bảng, bàn ghế, sách vở… mọi thứ luôn sẵn sàng để giáo dục thật tốt cho những mảnh đời bất hạnh. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn phòng học, thầy Phiếu nói ở đây các em không chỉ được ăn, ở, chăm sóc sức khỏe mà còn được tạo mọi điều kiện để đến lớp. Thế nhưng, hầu hết các em ở đây đều nghỉ học rất sớm, không được đi học, hay mất kiến thức căn bản. Với nhiệm vụ chăm sóc, định hướng cho các em, ban giám đốc xác định phải cho các em cái chữ để sau này tự lập thân, lập nghiệp. Cũng chính vì điều đó mà sau giờ học trên trường, các em được học thêm ở cơ sở.

Những thầy cô giáo dạy thêm cho các em không ai xa lạ đó là các thầy trong cơ sở, hay các thầy cô giáo nghỉ hưu ở TX.Thuận An, hoặc sinh viên các trường đến phụ giúp. Mỗi ngày vào buổi tối, các em sẽ được ôn luyện thêm 1 - 2 giờ trước khi đi ngủ để củng cố kiến thức. Nhờ định hướng tương lai các em qua việc học hành mà từ những em học lực yếu đã vươn lên học khá. Trong đó, nhiều em sau khi học xong lớp 12 đã đăng ký học nghề, hay thi trung cấp, cao đẳng, đại học để có được công việc ổn định. Đó là niềm vui không kể siết của các thầy nơi đây khi nói về kết quả học tập của những đứa con thân yêu của mình. Thầy Phiếu bộc bạch, để các em hiểu hết giá trị của việc học, mỗi lần sinh hoạt chung, các thầy thường nói chuyện về học tập, về tương lai khi mình có con chữ. Rồi những tấm gương hiếu học được các thầy đọc cho các em nghe. Các em nghe xong đều mong muốn mình học tốt để sau này có việc làm, có tiền phụ giúp ba mẹ, các em và những người khó khăn.

Linh mục Ngô Xuân Hiến nói, các em đang ở đây đều được đi học. Mỗi năm tiền học phí, tiền đóng bảo hiểm y tế của các em rất nhiều, do đó rất mong được hỗ trợ, miễn giảm để vơi bớt gánh nặng cho cơ sở. Cơ sở cũng rất mong tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo của các ngành chức năng để đi vào hoạt động đúng mục đích. Đồng thời, kêu gọi những nhà hảo tâm dang rộng đôi tay che chở, giúp đỡ các em, những mảnh đời bất hạnh có thêm điều kiện ăn uống, vui chơi, sinh hoạt và học tập.

 Với những hoạt động của mình, Cơ sở Bảo trợ xã hội Nhà Tình thương Tổ Đoàn kết Thuận An vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương tại Hội nghị biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Mái ấm

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên