Con mắc hội chứng tự kỷ, bạn bè, hàng xóm góp ý thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn cương quyết không chấp nhận sự thật đó. Đến khi thấy con có những biểu hiện lạ của hội chứng tự kỷ, phụ huynh đưa con đi điều trị thì đã qua “tuổi vàng” can thiệp cho con. Đó là tâm sự chung của nhiều phụ huynh với tâm lý sợ sự thật, con là nhất nên đã vô tình hại con.
Giáo viên hướng dẫn trò chơi vận động cho các cháu tại trường Tiểu học Chuyên biệt Trí Tâm
Ngại đưa con đi điều trị
Hướng đến Ngày Thế giới nhận biết bệnh tự kỷ, chúng tôi ghé thăm trường Tiểu học chuyên biệt Trí Tâm (TP.Thủ Dầu Một). Trường nhận nuôi dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ khó khăn về ngôn ngữ và trẻ tự kỷ theo hình thức bán trú từ 4 - 12 tuổi. Cô Kim Khánh, phụ trách trường nói, các em khi mới đến đây rất e dè, nhút nhát. Nhiều em chỉ cần nhìn thấy người lạ là khóc thét lên nhưng giờ đã vui chơi cùng các bạn. Chỉ tay về phía một em học sinh cao to, cô Kim Khánh nói, em đó năm nay 10 tuổi. Em đến đây khi bệnh đã khá nặng. Ba mẹ em kể lại, gia đình phát hiện cháu có biểu hiện lạ từ khi lên 5, mọi người nói cháu bị tự kỷ nhưng gia đình không tin. Càng về sau cháu càng sống khép kín, không giao tiếp với ai nên gia đình mới gửi cháu vào trường. Nếu cháu được điều trị sớm có lẽ giờ đã chạy nhảy, vui chơi cùng bạn bè chứ không ngồi một mình như vậy.
Tự kỷ thường bị nhầm lẫn với những bệnh khác như thiểu năng trí tuệ, down (đao), thần kinh. Nhiều bậc phụ huynh thường mang tâm lý khó chấp nhận và giấu giếm mọi người xung quanh, dẫn đến việc phát hiện bệnh tự kỷ quá muộn. Điều đó khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả. “Chúng tôi thật sự đã sai lầm khi luôn coi con là số 1, con là thiên tài. Do đó khi nghe “quý tử” mắc tự kỷ cả nhà không tin nên giờ hối hận”, anh Công ở TP.TDM bộc bạch.
Gần gũi, yêu thương là liều thuốc quý
Nói về căn bệnh tự kỷ của trẻ, thạc sĩ Cao Xuân Mỹ, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, người thành lập trường Mầm non Chuyên biệt Bình An (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) cho rằng, bệnh tự kỷ được nhiều người đặt ví von với cái tên “căn bệnh của thời hiện đại”. Việc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một khuyết tật về phát triển, khiến người tự kỷ trải nghiệm cuộc sống theo một cách khác với người bình thường. Điều này ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng liên kết với người khác của họ.
Trẻ tự kỷ có những biểu hiện như khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ; khó giao tiếp và tương tác; khó khăn trong các trò chơi hoạt động, việc hướng dẫn trẻ tự kỷ biết chơi một trò nào đó thường rất gian nan. Trẻ không biết dùng đồ chơi, chỉ cầm lên đập đập rồi ném, hoặc chơi không đúng chức năng. Với một số trẻ “thần đồng” như sớm biết làm toán, đọc chữ, nói tiếng Anh… cha mẹ cũng nên nghĩ đến tự kỷ nếu có các biểu hiện vừa nêu trên. Ở trẻ tự kỷ, những khả năng đặc biệt đó thường tự biến mất sau một thời gian. Các triệu chứng tự kỷ thường bộc lộ rõ từ 2 tuổi, nhưng thực ra nếu tinh ý, trong nhiều trường hợp, các bà mẹ có thể phát hiện những bất ổn của con mình sớm hơn nhiều, thậm chí trước 1 tuổi.
Theo các bác sĩ, vấn đề hòa nhập cộng đồng là quy trình quan trọng trong việc giáo dục chăm sóc trẻ tự kỷ. Sau khi được giáo dục chuyên biệt, các bé được hòa nhập với cộng đồng. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân.
T.LÝ