Mẹ góp tất cả cho cách mạng

Cập nhật: 24-01-2015 | 09:38:46

Sống trong lòng địch, ngày đêm chịu đựng mưa bom, bão đạn, hy sinh những giọt máu của mình, nhưng mẹ Phùng Thị Lên và mẹ Nguyễn Thị Chính vẫn kiên quyết bám đất, bám làng, vừa sản xuất nuôi con, vừa góp công góp của cho cách mạng. Với các mẹ, bộ đội cũng là con cháu trong nhà và đất nước có độc lập tự do thì dân mình mới hết khổ.

Một lòng hướng theo cách mạng

Mẹ Phùng Thị Lên (SN 1926), tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (hiện mẹ đang sống tại khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Nhà mẹ có hai anh em, người anh thứ hai cũng là liệt sĩ, gia đình chỉ còn một mình mẹ. Mẹ lấy chồng sinh được 8 người con. Tám người con mẹ lần lượt đặt tên là: Đắc - Thắng - Khải - Hoàng - Thanh - Thành - Đạt - Hùng. Cũng vì cách đặt tên này mà mẹ nhiều lần bị bọn lính kêu lên tra hỏi. Gặp mẹ chúng đập bàn hỏi, bà đặt tên cho con như vậy là có ý theo cách mạng phải không? Rồi bọn chúng chuyển sang dò xét, một tháng bà đi thăm con mấy lần? Những lần như thế mẹ phải khôn khéo đối đáp với bọn lính mới được yên thân.

Năm 1961, người con trai lớn của mẹ là anh Nguyễn Văn Đắc (SN 1946) thoát ly gia đình tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Sau đó, anh làm tiểu đội trưởng du kích xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Trong quá trình công tác, anh Đắc còn mở lớp dạy xóa mù chữ cho các đồng chí chưa biết chữ. Trong một lần anh Đắc cùng đồng đội tự chế bom mìn, chẳng may mìn phát nổ khiến anh Đắc hy sinh. Đó là vào tháng 11-1969, khi anh Đắc mới 23 tuổi.

Anh Đắc được đồng đội chôn cất ở Bến Chùa, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Anh Đắc hy sinh mẹ mất đi một người con trung hiếu, đồng đội anh mất đi một người tiểu đội trưởng gương mẫu, tháo vát. Anh Đắc hy sinh, nỗi đau của mẹ chưa nguôi thì chỉ chưa đầy 2 tháng sau mẹ lại nhận hung tin người con trai thứ ba của mẹ là anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1950) hy sinh. Anh Thắng tiếp bước người anh tham gia cách mạng năm 17 tuổi và hy sinh vào tháng 1-1970, khi anh đang làm xã đội trưởng xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Nỗi đau chồng tiếp nỗi đau, nhưng mẹ vẫn thầm tự hào vì các con của mẹ đã sống có lý tưởng và hy sinh thân mình để góp phần mang lại sự bình yên cho quê hương đất nước.

Mặc dù sống trong lòng địch, nhưng mẹ lúc nào cũng một lòng hướng theo cách mạng, mẹ xem bộ đội như những người con thân yêu của mẹ, có thứ gì đóng góp được cho bộ đội, cho cách mạng là mẹ không hề tiếc. Nhớ lại lúc còn ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi nhà mẹ có chiếc xe bò và đôi bò, thấy có thể giúp ích cho cách mạng mẹ liền đóng góp. Những lúc làm lúa tới mùa gặt, mẹ vào bao tươm tất không đem về nhà mà để ngoài ruộng đóng góp cho bộ đội, tối đến bộ đội ra vác đi.

Mẹ tâm sự, đời mẹ cực khổ lắm nhưng mẹ không tiếc bất cứ điều gì nếu điều đó có lợi cho cách mạng. Mấy lần bộ đội về làng, thấy các anh mang ruột tượng rỗng là lập tức mẹ xúc gạo đổ liền. Mẹ nói, thà ở nhà nhịn đói chứ không để bộ đội, du kích nhịn đói. Mẹ chỉ mong các anh được ăn no, đánh giặc giỏi để nước nhà mau độc lập. Không chỉ tiếp tế mỗi khi bộ đội qua làng mà mẹ còn gánh gạo, gánh cơm đi tiếp tế cho bộ đội đóng quân ở xa, có khi mẹ đi cả đêm. Mẹ nhớ nhất là vào những dịp tết đến, mẹ lại tất tả đi xin vải đen, vải kaki của mấy chị em, bà con của mẹ ở ngoài chợ tiếp tế cho bộ đội để các anh có quần áo tươm tất mặc vào những ngày tết.

Khi hỏi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mẹ có vui không? Mẹ trả lời: “Mẹ rất vui nhưng không phải cho mẹ, mà đó là niềm tự hào vì các con của mẹ đã biết sống có lý tưởng, hy sinh thân mình cho quê hương đất nước. Một niềm vui nữa đó là được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bà con hàng xóm làm ấm lòng mẹ lúc tuổi già”.

Mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc

Đến ấp Bến Chùa, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng hỏi thăm mẹ Nguyễn Thị Chính (SN 1926) ai cũng biết, đó là một người mẹ rất kiên cường, vừa lam lũ vất vả nuôi con, vừa lén nấu cơm, tiếp tế lương thực nuôi bộ đội chiến đấu.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa (do Bưu điện tỉnh trao tặng năm 2002) ẩn khuất dưới hàng cây cao su râm mát, chị Lê Thị Ánh Tuyết, người con gái thứ mười của mẹ Chính, cho biết: “Sức khỏe mẹ nay đã yếu nhiều, không còn đi lại được nữa nhưng mỗi lần xem phim tài liệu về chiến tranh, thấy hình ảnh các chiến sĩ bộ đội trên truyền hình là mẹ cười vui, nước mắt lăn dài trên má. Nỗi nhớ các con trong mẹ ùa về khiến cả nhà ai cũng xúc động bồi hồi theo”.

Chỉ cho chúng tôi xem những vết thương trên người mẹ do bom đạn kẻ thù lưu dấu, chị Tuyết kể lại quá khứ hào hùng của gia đình. Bầu trời, mặt đất Thanh An thời ấy suốt ngày đêm không khi nào im tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn pháo nổ. Cửa nhà, vườn tược tan hoang, đổ nát, nhưng dù thế nào người dân vẫn kiên quyết bám đất, bám làng để sản xuất, chiến đấu. Gia đình mẹ Chính cũng vậy, mẹ có 10 người con, trong đó có 2 người thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Năm 1967, chị Lê Thị Rơi (SN 1949), người con gái đầu lòng của mẹ tham gia kháng chiến chống Mỹ khi tuổi mới vừa tròn 18 và đã hy sinh vào năm 1968.

Noi theo gương chị, người con trai thứ bảy của mẹ Chính, anh Lê Văn Bảy (SN 1958) cũng lên đường nhập ngũ vào năm 1973. Với chức vụ đội viên du kích, anh Bảy đã lập nhiều chiến công cho đơn vị và hy sinh trong lúc đang công tác ở Lai Khê vào năm 1975.

Ngày nhận tin con hy sinh, thêm một lần lòng mẹ quặn thắt. Hai người con vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường khiến mẹ tưởng chừng không vượt qua nỗi đau tinh thần quá lớn. Với suy nghĩ, khi nào đất nước hòa bình thì dân mình mới hết khổ, mẹ gạt nước mắt, nén lại đau thương. Một lần nữa người mẹ quật cường đã dành trọn tình thương nuôi dạy những người con còn lại trưởng thành, đào hầm nuôi giấu bộ đội, tiếp tế lương thực cho các anh ở trong rừng đánh giặc.

Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ khuyên dạy con cháu phải luôn phát huy truyền thống của gia đình cách mạng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất và phát triển kinh tế, sống chan hòa với mọi người. Sự kiên cường và những cống hiến của mẹ cho cách mạng đã được Nhà nước ghi nhớ và trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba vào năm 1995, Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 1996. Ngoài ra, gia đình mẹ còn được công nhận là Gia đình cách mạng gương mẫu, Gia đình văn hóa nhiều năm liền, con mẹ được Nông trường Thanh An khen thưởng với danh hiệu lao động giỏi.

Hòa bình, đất nước thống nhất đã phần nào xoa dịu được nỗi đau của mẹ, bởi mẹ được Đảng, Nhà nước quan tâm trợ cấp hàng tháng, vào những dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên mẹ sống vui sống khỏe cùng con cháu. Và hôm nay mẹ thêm ấm lòng vì được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. “Khi biết mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý này, gia đình rất vui mừng và tự hào. Đây sẽ là động lực để mẹ vượt qua những mất mát đau thương, động viên con cháu noi gương thế hệ cha anh để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội”, chị Tuyết vui mừng cho biết.

ĐỨC LÊ - MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=744
Quay lên trên