Để được cuộc sống hòa bình hôm nay, có biết bao người dân yêu nước Việt Nam đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Nỗi đau mất đi người thân yêu của mình không thể nói hết thành lời, nhưng những người vợ, người mẹ vẫn âm thầm chịu đựng. Giấu nỗi đau vào trong, các mẹ lại mạnh mẽ đứng lên, bắt tay vào lao động, sản xuất để tiếp tục đóng góp công sức cho cách mạng…
Niềm vui của mẹ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ Bùi Thị Đa (SN 1923) ở khu phố Khánh Lộc, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên mang trong mình 2 nỗi đau lớn: Nỗi đau mất chồng và nỗi đau mất con. Hơn 90 tuổi, trí nhớ của mẹ đã có phần giảm sút nhưng những hồi ức về chồng và người con gái đã hy sinh trong kháng chiến vẫn còn in dấu.
Mẹ kể, gia đình nhà chồng mẹ là gia đình có truyền thống cách mạng. Vì thế, chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Thuật cũng sớm giác ngộ và thoát ly gia đình theo cách mạng. Sau khi cưới mẹ được một năm và có với nhau một người con, ông Thuật bắt đầu gia nhập lực lượng cách mạng. Lúc đầu ông làm dân quân ở ấp, sau đó tham gia công tác ở xã đội. Một thời gian sau, ông chuyển đến công tác ở Huyện ủy Thuận An. Mẹ cười móm mém: “Ông lo chuyện cách mạng, lâu lâu mới tạt qua nhà thăm mẹ ít hôm. Còn chuyện gia đình, con cái, ba mẹ chồng đều một tay mẹ lo liệu”. Vừa làm mẹ của 6 người con, vừa chăm lo cho ba mẹ chồng nhưng mẹ không hề than vãn. Ngược lại, mẹ còn động viên ông Thuật cứ yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có mẹ lo liệu chu toàn. Một lần, ông Thuật về thăm nhà thì bị chỉ điểm và bị địch đến bắt. Chúng giam ông ở nhà giam Biên Hòa, rồi chuyển đến nhà giam Bình Dương. Không lâu sau đó, ông bị chúng đưa ra nhà giam Côn Đảo và mất tại đây vào năm 1957.
Cũng vì căm thù giặc sâu sắc, mà chị Nguyễn Thị Hoa - người con gái thứ 3 của mẹ Đa cũng sớm thoát ly tham gia kháng chiến. Mẹ kể, khoảng năm 1962 (lúc đó chồng mẹ đang bị đày ở Côn Đảo) chị Hoa trốn mẹ đi làm cách mạng. Giọng mẹ Đa trầm xuống: “Từ ngày đi theo cách mạng đến khi hy sinh mẹ chưa gặp lại con mình lần nào. Mẹ chỉ nghe kể lại rằng, khoảng năm 1966, nó đi lấy thuốc để trị bệnh cho lực lượng cách mạng. Trên đường trở về thì bị địch bắn và hy sinh”. Trên tấm bằng Tổ quốc ghi công treo bên cạnh di ảnh chị Nguyễn Thị Hoa trong nhà mẹ Đa ghi rõ: “Liệt sĩ Nguyễn Thị Hoa, nhân viên kinh tài huyện đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngày 5-10-1966”.
Trong câu chuyện của mình, mẹ Đa cho biết thêm, thời kháng chiến chống Mỹ, bản thân mẹ cũng tham gia tiếp tế cho cách mạng. Mẹ thường ra chợ mua muối, rồi trồng rau, trồng lúa gì cũng để dành một phần cho cách mạng. Mỗi lần như thế, mẹ thường đào một cái hố ngoài bìa rừng, mang đồ ra đó giấu rồi phủ cây cỏ lên trên ngụy trang. Đã thống nhất rồi, nên đến đêm mấy chú cách mạng trong rừng cứ ra đó lấy đồ vô thôi. Sợ ba chồng lo, mẹ Đa và người con trai thứ 2 thay nhau bí mật làm công việc này. Nhờ những hạt muối, hạt lúa của những người dân giàu lòng yêu nước như mẹ mà lực lượng cách mạng đã được tiếp thêm một phần sức mạnh để tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mẹ cũng từng bị bọn địch bắt giam ở khám đường mấy tháng trời, nhưng chúng không khai thác gì được ở mẹ nên cuối cùng cũng thả mẹ về.
Chồng và người con gái thứ 3 của mẹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và được Tổ quốc ghi công là liệt sĩ, đó là sự hy sinh hết sức thiêng liêng, cao cả. Năm tháng cũng dần xóa đi vết thương lòng, mẹ Đa nói: “Thời gian qua, mẹ luôn được Nhà nước quan tâm, lại có con cháu bên cạnh nên mẹ thấy cũng vui rồi. Bây giờ, mẹ còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, chắc chồng và con mẹ ở nơi chín suối cũng đang mỉm cười”.
Chỉ mong quê hương không còn bóng giặc
Chiến tranh đã tàn phá xóm làng, cướp đi của mẹ những người thân yêu quý. Nhưng mẹ vẫn trung dũng kiên cường, góp công góp sức chỉ mong sao quê hương không còn bóng giặc xâm lược. Đó là cả cuộc đời đầy tự hào của mẹ Lê Thị Đê (SN 1926) ở ấp Bến Chùa, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã An Tây, huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát), nên mẹ Đê đã bộc lộ khí phách anh dũng kiên cường ngay khi còn rất trẻ. Mẹ kể, thời chiến tranh giặc tàn ác, cướp phá xóm làng nên nghe có bộ đội về là cả xóm mừng lắm. Mẹ cùng với các chị em vận động bà con góp lúa gạo, nấu cơm rồi đem cho các đơn vị bộ đội đóng quân gần đó. Những lúc yên bình, mẹ còn tham gia giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ, góp phần động viên tinh thần cho các anh. Ngoài ra, mẹ Đê còn làm công tác móc nối, giúp các chiến sĩ bộ đội đóng quân ở An Tây liên lạc với gia đình ở quê. Vượt bao hiểm nguy, đường sá xa xôi nhưng mẹ không hề e dè nao núng. Mẹ còn gửi tiền cho các anh bộ đội ở tiền tuyến. Mẹ cảm mến và nhận lời làm vợ anh bộ đội Bùi Văn Non (SN 1920), ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM công tác ở công trường 9 (đường 19, xã An Tây).
Nhờ ăn nói khéo léo và tháo vát trong công việc làm vỏ đạn ở quân trường xã An Tây, nên ông Non được tín nhiệm làm chính trị viên của ấp. Năm 1957, địch tình nghi ông làm cách mạng nên chúng bắt ông rồi nhốt ở khám đường Bình Dương, sau đó chúng chuyển ông đến nhà lao Thủ Đức.
Sau 3 năm tra khảo không thành, chúng thả chồng mẹ về địa phương. Những đòn roi, nhục hình của bọn tay sai đã khiến ông lao đao bệnh tật phải chạy chữa cả năm trời mới khỏi. Thương tích bình phục, ông Non trở lại đơn vị và tiếp tục chiến đấu. Đến năm 1968, do bị máy bay chuồn chuồn phát hiện thả bom nên ông Non cùng 3 đồng đội đã anh dũng hy sinh tại đồng ruộng Cu Đinh (xã An Tây) trong lúc đang làm nhiệm vụ.
Noi gương cha, 2 người con trai Lê Hồng Thanh (SN 1951) và Bùi Công Lũng (SN 1954) đã lần lượt lên đường nhập ngũ. Anh Lê Hồng Thanh trở thành du kích xã rồi gia nhập C61 (Bến Cát), sau này tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Hiện anh Thanh là thương binh loại 2/4 đang sinh sống tại TP.HCM.
Anh Bùi Công Lũng lanh lợi và gan dạ nên trở thành chiến sĩ thuộc ban tham mưu Thủ Dầu Một, được khen thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 3. Năm 1970, trong lúc đang công tác ở Bàu Nỗ (Thanh An), anh Lũng bất ngờ bị biệt kích bắn chết. Đồng đội chôn tạm xác anh Lũng ở gần đó, nhưng do bom đạn kẻ thù càn phá dữ dội nên mộ anh không còn nữa.
Nỗi đau vĩnh viễn không còn gặp lại chồng con đã làm mẹ đau đớn vô cùng. Nhưng những mất mát, đau thương ấy không quật ngã được bản chất kiên cường của mẹ. Mẹ đã biến đau thương thành hành động, tích cực lao động sản xuất nuôi dạy con nên người.
Sau ngày giải phóng, mẹ tiếp tục tích cực tham gia làm công tác thương binh-xã hội và có nhiều đóng góp trong công tác chính quyền ở ấp 5 (xã An Tây). Từ năm 1979, mẹ về sống tại ấp Bến Chùa, xã Thanh An đến nay.
Với những hy sinh, mất mát và sự cống hiến không ngừng của mẹ, năm 1996, Chủ tịch nước đã trao tặng mẹ Huy chương Kháng chiến hạng 1. Và trong những ngày đầu năm mới 2015, mẹ cảm thấy rất vui để chuẩn bị dọn vào căn nhà tình nghĩa mới vừa được xây cất lại.
H.THUẬN – M.HIẾU