Bình Dương lần thứ 3 được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu thế giới (Smart21) năm 2021, là một minh chứng “sống” cho hướng đi đúng đắn mà tỉnh nhà lựa chọn…
Đề án Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương kỳ vọng mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức. Trong ảnh: Sản xuất tại một DN thuộc Khu công nghiệp VSIP 2A
Từ bước khởi đầu…
Năm 2016, Bình Dương triển khai Đề án TPTM là sự đột phá về một hướng đi. Với sự nỗ lực không ngừng, đẩy mạnh hợp tác, học hỏi từ cộng đồng quốc tế, đề án TPTM đã tạo ra bước phát triển mới về kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa nền kinh tế chuyển dần sang dịch vụ - công nghệ cao, đô thị xanh, thông minh và hiện đại.
Chặng đường 5 năm qua, kinh tế tỉnh nhà luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9,35%/năm, vượt kế hoạch đề ra. Quy mô GDP đến năm 2020 ước gấp 1,7 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đông Nam bộ (141,2 triệu đồng), cao hơn 2,5 lần mức bình quân cả nước. Tổng giá trị xuất khẩu trong 5 năm qua ước đạt 119.540 triệu đồng, tăng bình quân 9,31%/năm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt cả về số thu và tốc độ tăng, với mức tăng bình quân hàng năm 11,2%.
Trong khoảng thời gian đó, các ngành, các lĩnh vực, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đều có bước phát triển tích cực. Công nghiệp tiếp tục là ngành trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bình Dương đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu tiếp nhận có chọn lọc các dự án hàm lượng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, ít thâm dụng lao động theo đúng định hướng phát triển. Quy mô ngành công nghiệp tăng 1,6 lần so với năm 2015 và chiếm 9,7% sản xuất công nghiệp cả nước. Các khu công nghiệp không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng kết nối, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Đặc biệt, Bình Dương với các chiến lược đột phá của mình đã tạo được niềm tin và trở thành điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư. Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong 5 năm qua, tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, nâng cấp đô thị. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Chủ trương đô thị hóa tiếp tục được thực hiện đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu với xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh. Với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, quy hoạch đồng bộ, các dự án thành phần đã đầu tư xây dựng như Trung tâm Hành chính tập trung; Trung tâm Hội nghị - Triển lãm; Trung tâm Thể thao đạt chuẩn quốc tế đang tạo dấu ấn tích cực trong phục vụ người dân, DN. Đáng chú ý, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương diễn ra nhanh, hình thành nhiều đô thị phát triển hiện đại. Những đô thị trẻ như Thuận An, Dĩ An có nhiều lợi thế phát triển, được quy hoạch tương đối bài bản và đang tạo sự kết nối mạnh mẽ.
Bình Dương hiện đang nỗ lực đẩy mạnh chính quyền điện tử, triển khai nhiều mô hình công nghệ mới, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích các DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các nhà máy thông minh… Bình Dương cũng đang triển khai quyết liệt đổi mới về logistics, giao thông vận tải, tạo điều kiện tốt nhất cho DN đầu tư, nâng cao đời sống của người dân. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, tạo lập môi trường sống và làm việc ngày càng tốt hơn cho người dân và DN.
Đến bước chuyển mạnh mẽ
Để đáp ứng những yêu cầu mới trong thời đại công nghiệp 4.0, Bình Dương đã quyết định xây dựng Dự án Vùng Đổi mới sáng tạo (ĐMST). Dự án là sự phối hợp từ các cơ quan ban, ngành trong tỉnh, cùng các đối tác từ Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore. Vùng ĐMST Bình Dương phát triển dựa trên quy hoạch tích hợp, bao gồm chiến lược phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối. Theo quy hoạch, vùng này sẽ phát triển theo hướng gắn kết các vùng trong và ngoài tỉnh, kích thích văn hóa ĐMST và tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội. Hoạt động chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 sẽ được thúc đẩy với việc hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử cấp tỉnh, phát triển các hoạt động kinh tế số, tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong phát triển sản xuất tiên tiến, nhà máy thông minh. Tất cả mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động sử dụng công nghệ và tri thức, như: Giáo dục - đào tạo, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ, sản xuất tiên tiến và môi trường sống thân thiện, đưa Bình Dương trở thành nơi đáng sống, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, Bình Dương hoàn toàn tự tin hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng thành công Vùng ĐMST Bình Dương.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc thúc đẩy khoa học công nghệ sẽ mở rộng hợp tác đầu tư, thu hút các DN và tập đoàn kinh tế lớn đến với Bình Dương. Phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ để phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành TPTM: Đối với các DN lớn, khu công nghiệp khoa học công nghệ là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm công nghệ, là cầu nối giúp DN thiết lập và nâng cao chuỗi giá trị, tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp và sản xuất phụ trợ tại địa phương. Sự hỗ trợ và thúc đẩy tri thức, khởi nghiệp tại khu công nghiệp khoa học công nghệ hướng tới không chỉ các DN mới mà còn là những DN hiện tại ở Bình Dương và các khu vực lân cận. Những DN vừa và nhỏ có thể đạt được sự tự chủ về công nghệ, tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC: Thành phố mới Bình Dương là trung tâm Vùng ĐMST sẽ giúp tỉnh xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, giúp tỉnh tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Từ đó, một mặt giúp nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới, mặt khác, giúp phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế Bình Dương, giúp tỉnh có một nền tảng vững chắc tiến vào kỷ nguyên số. Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Bình Dương đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước để phục vụ cho tốt hơn người dân và DN. Việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử Bình Dương được thực hiện theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm hồ sơ, giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN. |
TIỂU MY