“Mở đường” bằng chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 29-03-2024 | 08:25:41

Trong khó khăn của kinh tế toàn cầu, cơ hội đến với ngành công nghiệp hỗ trợ. Song làm thế nào để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn là một bài toán mà nhiều doanh nghiệp (DN) hỗ trợ tại địa phương đang đi tìm lời giải.

 Công ty Elecsun (TP.Tân Uyên) nỗ lực đầu tư, phát triển sản phẩm chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng

 Cơ hội từ những tập đoàn lớn

Trao đổi với chúng tôi, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego, Tổng Giám đốc Công ty Lego Manufacturing Việt Nam, cho biết: “Xây dựng và đưa nhà máy tại Bình Dương vào hoạt động đúng tiến độ vào nửa cuối năm 2024. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà cung ứng nội địa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Các đối tác Việt Nam hợp tác với Lego trong thời gian qua rất tốt”.

Ông Katsunori Nagata, Giám đốc Công ty TNHH Sharp Manufacturing Vietnam (VSIP IIA), cho biết: “Hiện công ty đang đẩy mạnh tìm kiếm các DN cung ứng linh kiện, thiết bị phục vụ sản xuất. Hiện Sharp Việt Nam đang sử dụng tỷ lệ nội địa 50% và 50% còn lại nhập khẩu. Dự định đến cuối năm 2024 sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam lên 90% (tính trên giá thành). Nếu việc tăng tỷ lệ nội địa lên 60% sẽ giúp tiết kiệm từ 3 - 6% chi phí nguyên liệu đầu vào cho DN”.

Lãnh đạo Sharp Việt Nam cho biết hiện có nhiều linh kiện, thiết bị Việt Nam chưa thể cung ứng nên nhà máy tại Việt Nam cũng buộc phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan. Sharp cũng đề ra 3 tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng là chất lượng, giá thành và thời gian giao hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay theo đánh giá của chính đơn vị này thì nhiều đơn hàng tại Việt Nam lại có tiến độ khá chậm. Bên cạnh yếu thế về chất lượng, hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm linh kiện không làm kịp tiến độ theo đơn đặt hàng của Sharp. Ví dụ một khuôn ép làm tại Thái Lan, Trung Quốc chỉ mất 40 ngày, Việt Nam lại phải tốn tới 60 ngày.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TP.Tân Uyên), trong thời gian này nhìn thấy cơ hội lớn từ chuỗi cung ứng nhưng không có vốn nên không dám đầu tư nhiều. Để có khả năng đầu tư sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí, đó là chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi DN phải có công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tối ưu để giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu cho rằng: “Rất nhiều DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam biết công nghệ tiên tiến sẽ tối ưu hóa sản xuất, tạo ra những dòng sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới không phải chuyện khó của DN Việt Nam. Nhưng đầu tư công nghệ mới cần rất nhiều tiền, một DN nhỏ rất khó có đủ tiềm lực tài chính, những DN khởi nghiệp càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận công nghệ này bởi liên quan đến tài sản thế chấp”.

Công ty TNHH Nghệ Năng (TP.Thuận An) là một trong những đơn vị đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tác FDI. Ông Lưu Trí, Tổng Giám đốc công ty cho biết kết quả khả quan mà Công ty Nghệ Năng đạt được là nhờ đã đẩy mạnh mảng thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác cao. “Nghệ Năng là nhà thi công hệ thống thông gió làm mát và xử lý khói bụi sử dụng động cơ DC không chổi than tiên tiến nhất hiện nay. Công nghệ này giúp giảm 50% tiêu thụ điện, bảo hành trọn đời. Chúng tôi chủ trương làm những sản phẩm khó, có giá trị cao. Công ty đã không ngừng cải tiến, cập nhật những công nghệ mới, thu hút nhân lực chất lượng cao, học hỏi kinh nghiệm từ những công ty đa quốc gia... để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, tạo niềm tin cho khách hàng”, ông Lưu Trí nhấn mạnh.

“Mở đường” bằng chính sách

Ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam (KCN VSIP I), cho rằng: “Hãy nhìn từ thực tế cơ chế phát triển, cần xem xét là chúng ta đang có gì để đón chuỗi cung ứng. Ưu tiên đón những ngành nghề nào và thực tế trình độ chúng ta tới đâu thay vì nói nhiều về chuỗi cung ứng. Với trình độ, chính sách như hiện nay, rất khó để đón và nâng tầm chuỗi cung ứng”.

Cũng theo ông Lê Duy Nhất Luận, hiện nay, DN Việt không được ưu đãi về lãi suất, nguồn lực đất đai, tài chính để phát triển nguồn lực, phát triển quản trị. Trên thực tế, kỹ thuật, nguồn lực Việt Nam đều có thể đáp ứng yêu cầu, điều đó được chứng minh qua việc các DN FDI dựa vào nguồn lực Việt Nam để phát triển sản xuất. Tuy vậy DN cần cơ chế, đặc biệt là tài chính và đất đai để đầu tư phát triển. Điều này rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành trong các quy định cụ thể”.

Để tạo thuận lợi hơn cho DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN hỗ trợ đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi hơn nữa như miễn giảm thuế, lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho DN nâng cao sức cạnh tranh. Cùng với đó, cập nhật thông tin cho DN trong nước về các yêu cầu lựa chọn nhà cung cấp linh kiện, sản xuất phụ trợ để đăng ký tham gia chuỗi sản xuất.

 Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, mong muốn có cơ chế, biện pháp hỗ trợ các D N nhỏ và vừa nâng cao năng lực, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối D N nước ngoài với các D N trong nước, thông qua các sự kiện này có thể hợp tác cung cấp những sản phẩm, linh kiện các tập đoàn nước ngoài đang có nhu cầu.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên