Mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”: Những cách làm hay và bài học kinh nghiệm

Cập nhật: 17-10-2019 | 08:14:22

 Báo Bình Dương vừa phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện - Làm thay đổi tư duy cán bộ”. Tham dự chương trình có ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ và bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Hai vị khách mời đã trả lời hơn 10 câu hỏi liên quan đến tính hiệu quả của việc triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” trên địa bàn tỉnh.

 Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ và bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: XUÂN THI

 Đi vào thực chất

Mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” được tỉnh triển khai trong giai đoạn 2016- 2020 đã và đang tạo những bước đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Từ mô hình này, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết nhanh chóng TTHC. Chia sẻ vấn đề này, ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng đến nay mô hình đã triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực, sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, thể hiện sự thân thiện, gần gũi trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử với nhân dân, thông qua một số hoạt động như: Chính quyền gửi thư chúc mừng cho các trường hợp đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và thư chia buồn khi người dân có người mất. Những hành động trên thể hiện sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc của chính quyền đối với nhân dân, đồng thời thể hiện rất rõ tinh thần phục vụ nhân dân của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về sự thành công trong việc triển khai mô hình ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ cuối năm 2016, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP.Thủ Dầu Một và hướng dẫn của Sở Nội vụ về việc xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa nội dung phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị.

Từ mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, phường Phú Mỹ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bổ sung một số nội dung khác vào phương châm “5 biết”, “3 thể hiện” trong xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù riêng của địa phương. Cụ thể như: Mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; mô hình 3 xin - 3 luôn (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn giúp đỡ); mô hình 5 hơn (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn). UBND phường đã xây dựng 10 nguyên tắc khi giao tiếp với công dân: Dân đến được chào hỏi; dân ở, luôn tươi cười; dân hỏi, được tư vấn; dân yêu cầu, phải tận tâm; dân cần, được thông báo; dân vội, được giải quyết nhanh; dân chờ, được xin lỗi; dân phàn nàn, phải lắng nghe; dân chờ, luôn chu đáo; dân về, được hài lòng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Yến, tại phường Phú Mỹ, các TTHC được công khai, minh bạch về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, phí, lệ phí và thời gian giải quyết... Công tác đầu tư về công nghệ thông tin được UBND phường quan tâm. Nhờ đó, bộ phận “một cửa” của phường thực hiện giải quyết hồ sơ trước hạn cho người dân đạt trên 10% trong tổng số hồ sơ giải quyết trong năm. UBND phường đã chú trọng đơn giản thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết đối với quy trình tặng giấy khen của chủ tịch UBND cấp xã; xác nhận tình trạng hôn nhân; giải quyết ngay các hồ sơ khai tử trong các ngày nghỉ, ngày lễ…

Từ đó, phường từng bước tạo mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền và người dân, tổ chức hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch; chủ động nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức (CBCC), chống biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ CBCC; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Chia sẻ về những yếu tố then chốt tạo nên thành công trong việc triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, bà Nguyễn Thị Hồng Yến nói: “Đó là tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC, đối với những hồ sơ dân cần gấp như khai tử, xác nhận tình trạng bất động sản đều được giải quyết ngay. Đảng ủy, UBND phường Phú Mỹ chú trọng đơn giản TTHC, giảm bớt giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Các thủ tục liên thông giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ; hiệu quả của nhận trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu chính công ích; mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”. Công tác bố trí CBCC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. UBND phường cũng luôn xem chất lượng giải quyết các TTHC phải đặt lên hàng đầu”.

Công tác tuyên truyền cải cách hành chính nói chung luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Hàng năm, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, phát thanh, truyền hình, sân khấu hóa các nội dung trọng tâm của công tác CCHC, trong đó mô hình chính quyền thân thiện, công sở thân thiện luôn được đặt lên hàng đầu. Qua tuyên truyền đã phát hiện tuyên dương những tập thể, cá nhân làm tốt, có nhiều sáng kiến, mô hình hay; nội dung tuyên truyền đã lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt, được người dân đồng thuận và đánh giá cao.

(Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ)

Bà Yến cũng chia sẻ thêm những kinh nghiệm ở địa phương, yếu tố giúp phường Phú Mỹ đứng hạng nhất về Chỉ số CCHC năm 2018 được tỉnh công bố. Theo đó, Đảng ủy, UBND phường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác rà soát các TTHC. Bộ phận “một cửa” của phường chú trọng công khai minh bạch các TTHC, đơn giản thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Cùng với đó là tăng cường nhận trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu chính công ích và tổ chức nhiều buổi đối thoại cùng nhân dân gắn chủ đề công tác CCHC để báo cáo kết quả hoạt động, phổ biến tuyên truyền nội dụng thực hiện các mô hình về CCHC; đồng thời lắng nghe tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân về công tác CCHC và thái độ ứng xử của CBCC khi giao tiếp công dân, để kịp thời điều chỉnh bổ sung thực hiện đúng quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp CBCC.

Trên bình diện chung của tỉnh, ông Lý Văn Đẹp cho rằng Sở Nội vụ đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa mô hình này nhằm xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân và công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ. Trả lời vấn đề của bạn đọc gửi về chương trình: “Thực tế hiện nay vẫn còn một số CBCC xa dân, vẫn còn tình trạng hạch sách dân”, ông Lý Văn Đẹp cho rằng, hiện nay ở đâu đó vẫn còn những CBCC chưa thật sự thấm nhuần lời dạy của Bác là hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vẫn còn tư tưởng xin cho, chưa coi người dân là đối tượng được phục vụ. “Những người này chưa xứng đáng là “công bộc của dân” và tôi xin khẳng định đó chỉ là thiểu số, con sâu làm rầu nồi canh”, ông Đẹp nói.

Theo ông Đẹp, bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai mô hình là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhiều địa phương đã không ngừng nâng cao nhận thức và chất lượng đội ngũ CBCC. Sự tham gia, tương tác của người dân đối với chính quyền các cấp, để chính quyền thấy được những mong muốn của người dân, qua đó phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó là sự tham gia giám sát, phản biện của MTTQ các cấp…

“Có thể nói, những thành quả trong xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện mà Bình Dương đạt được hôm nay là một quá trình của sự tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; là sự phấn đấu nỗ lực, chung sức, đồng lòng của chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một điểm đến hấp dẫn cho tất cả các nhà đầu tư”, ông Lý Văn Đẹp nói.

 Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan cụ thể đến TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC - Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát TTHC; ĐT: (0274) 3.835.029; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn 

 HỒ VĂN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1600
Quay lên trên