Mô hình dưa lưới: Hướng đi mới của nông dân xã An Bình, huyện Phú Giáo

Cập nhật: 23-04-2016 | 09:35:41

Hiện nay, nhu cầu về nguồn rau an toàn đang được người tiêu dùng rất quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau an toàn. Mô hình dưa lưới của gia đình bà Vũ Thị Huê ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo là một điển hình.

 Bà Huê đang chăm sóc vườn dưa lưới của gia đình. Ảnh: MAI HOÀNG

 Với diện tích 2.000m2, bà Huê đã đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới khép kín gồm khung sắt, phía trên bao phủ bằng ni-lông, bên ngoài phủ bằng nhựa để chống côn trùng. Bên trong nhà lưới có đường đi, hệ thống phun tưới tự động, đo nhiệt độ… Bà Huê đầu tư mô hình này với tổng số tiền 500 triệu đồng. Theo Hội Nông dân xã An Bình, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, chống sâu bệnh tốt, bảo đảm độ che nắng, nhiệt độ ổn định… đang được nhiều địa phương áp dụng.

Khi được hỏi về lý do và động lực nào để đầu tư mô hình này, bà Huê chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại rau quả sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích… gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Xuất phát từ lý do đó và từ nhu cầu cần rau quả sạch của gia đình và khách hàng, gia đình tôi đã quyết định đầu tư mô hình dưa lưới an toàn”.

Bà Huê cho biết việc đầu tư thực hiện mô hình rau quả an toàn bước đầu gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết người thực hiện mô hình cần có quyết tâm cao, có vốn để đầu tư và sau đó là tìm hiểu cách xây dựng mô hình, chăm sóc và thị trường tiêu thụ. Tuy vậy, thuận lợi từ mô hình này là hạn chế công chăm sóc, sâu bệnh gây hại, không sử dụng các loại thuốc gây độc hại… Bên cạnh đó, công việc chăm sóc hàng ngày khá đơn giản, chỉ cần cung cấp đủ nước cho cây và tưới phân sinh học kích thích cây phát triển. Đối với cây còn nhỏ, mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ tưới cây một lần và mỗi lần khoảng 8 phút. Sau khi cây đã lớn, cần giảm số lần tưới xuống còn một lần/ngày và mỗi lần tưới mười phút. Đối với hệ thống vòi tưới, được bà đặt ngầm dưới luống dưa và để vòi trực tiếp vào từng gốc cây. Khi tưới, mỗi cây sẽ nhận được lượng nước nhất định và phát triển rất đều. Trong khi đó, thời gian từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch là gần 3 tháng. Vườn dưa lưới của bà đã trồng được 20 ngày và khoảng 2 tháng nữa là có thể thu hoạch.

Hiện tại, vườn dưa nhà bà Huê đã có nhiều người đến tham quan; một số khách hàng đã đặt mua dưa tại đây. Nói về kỳ vọng của mình đối với mô hình dưa lưới này, bà Huê chia sẻ: “Khi quyết định xây dựng và thực hiện mô hình này tôi thấy mình đã thành công, mặc dù đây là mô hình đầu tiên tôi thực hiện. Với mô hình theo tiêu chuẩn VIETGAP, trong thời gian tới, sau khi thu hoạch gia đình tôi sẽ phân phối sản phẩm tới các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận”.

Những hàng dưa lưới xanh mướt, hoa vàng của gia đình bà Huê đang hứa hẹn một mùa bội thu với những trái dưa lưới an toàn sẽ sớm tới tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, cho biết mô hình dưa lưới an toàn là một bước đi mới trong chuyển đổi cây trồng của nông dân trong xã. Với mô hình này, rau quả đều được trồng trong nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, hội sẽ tạo điều kiện cho các hội viên nông dân trong xã tham quan và tiếp tục nhân rộng mô hình này.

 MAI HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2150
Quay lên trên