Đa số những vật nuôi truyền thống như gà, heo... những năm gần đây hay gặp rủi ro do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang nuôi “con vật mới” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Thành Sinh, khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An là một thí dụ với mô hình nuôi dế sữa.
Theo lời giới thiệu của bà Nguyễn Thị Kim Thường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) phường Dĩ An, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dế của gia đình ông Nguyễn Thành Sinh, một mô hình không đòi hỏi nhiều sức lao động nhưng lại cho thu nhập khá ổn định. Trên diện tích hơn 15m2, xếp gần 100 thùng xốp nuôi dế, vừa giới thiệu, ông Sinh vừa kể về hành trình “đến” với “nghề” nuôi dế. Theo ông, nuôi dế không phải là việc làm mới lạ với người nông dân, nhưng nuôi dế mang tính hàng hóa thì đó là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới. Trong một lần được HND phường mời tham dự các lớp tập huấn nuôi dế, nhím, trồng hoa lan, cây kiểng... nhận thấy mô hình nuôi dế sữa cho hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, kỹ thuật nuôi dễ, không ngại khó, ông đã tìm đến nhiều gia đình nuôi dế đạt hiệu quả tại huyện Củ Chi (TP.HCM), TX.Thuận An để học hỏi kinh nghiệm.
Dế được nuôi trong những thau nhựa vào mùa nắng
Bước đầu do chưa nắm rõ về kỹ thuật nuôi, kinh tế eo hẹp nên ông chỉ dám mua 6 ổ trứng với giá 300.000 đồng từ mô hình nuôi dế tại phường Thuận Giao (TX.Thuận An) về nuôi thử, với tiêu chí “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cộng với đức tính cần cù, tích cực tìm hiểu nâng cao kỹ thuật và được sự hỗ trợ về vốn của HND phường, ông đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, gia đình ông có hơn 100 thùng nuôi dế, trong đó 30 thùng dế con, 20 thùng dế giống, còn lại là dế thương phẩm. Với giá bán 50.000 đồng/1 ổ trứng dế, dế thương phẩm (nuôi được 1 tháng) với giá 120.000 - 150.000 /1kg, ước tính với số tiền 300.000 đồng vốn ban đầu sau gần 4 năm dế mang lại cho gia đình ông lên đến 40 triệu đồng. Hiện nay, mỗi tháng gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 30kg dế. Từ số tiền đó, kinh tế gia đình ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học.
Ông Sinh tâm sự: Tính tới thời điểm này nuôi con gì cũng không qua được con dế, dễ nuôi, chỉ cho dế ăn mỗi ngày một lần vào buổi sáng, thức ăn là cám nên chi phí rất thấp. Vào buổi chiều hàng ngày tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ để dế khỏi bị nhiễm bệnh, nhiệt độ trong chuồng luôn giữ ở 27 - 320C. Vốn đầu tư nuôi không lớn (khoảng vài trăm ngàn đồng để mua vật liệu: gỗ, thùng xốp, hệ thống điện...), ít gây ô nhiễm môi trường, hệ thống chuồng trại không tốn nhiều diện tích, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Để dế lớn nhanh, không mắc bệnh, người nuôi cần chú ý, nếu vào mùa lạnh phải nuôi dế ở thùng xốp, mùa hè nuôi bằng thau nhựa, thùng nhựa. Người nuôi có thể cho vào thùng dế vài cành cây khô để dế leo trèo, trú ẩn. Đối với loại dế con thì 2 - 3 ngày cho ăn một lần và cho uống nước thông qua miếng mút đế tránh cho dế khỏi bị chết đuối. Đối với dế thương phẩm và dế giống ngày cho ăn một lần, cho uống nước thông qua khay nhựa nhỏ. Đặc biệt, khi dế bắt đầu sinh sản cần phải lựa chọn thật kỹ những con dế to khỏe để nhân giống và tỷ lệ ghép giữa dế đực, dế cái trong một thùng (đàn) rất quan trọng vì nếu ghép ít đực tỷ lệ trứng nở kém. Theo kinh nghiệm của ông Sinh tỷ lệ thích hợp nhất trong một thùng (đàn) là 1,2 - 1,5 con cái ghép 1 con đực.
Dù mới nuôi dế nhưng có thể khẳng định đây là thành công bước đầu của gia đình ông Sinh. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều chủ nuôi dế ở các phường bên đã tìm đến gia đình ông Sinh để học tập kinh nghiệm. Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, mà với kinh nghiệm tích lũy được, ông Sinh vừa bán dế giống, dế thương phẩm vừa hướng dẫn cho bà con phương pháp chăm sóc và nhân giống cho hiệu quả cao. Qua đó, ông cung cấp giống và bao tiêu luôn sản phẩm đầu ra cho các hộ mua dế tại cơ sở của ông. Theo bà Thường, mô hình nuôi dế thương phẩm tại cơ sở của ông Sinh đã mở ra mô hình mới hiệu quả kinh tế cao và trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này để giúp nông dân trong phường tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
B.MINH - T.LÝ