Mở rộng cơ hội hợp tác ngành logistics với đối tác Hoa Kỳ

Cập nhật: 05-11-2022 | 09:52:41

Hội nghị xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 đã mở ra những cơ hội lớn sự hợp tác phát triển của các doanh nghiệp (DN) logistics Bình Dương. Đồng thời, đây là cơ hội để các DN tìm hiểu thông tin, phát triển, thiết lập vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


Các đối tác Hoa Kỳ thăm trung tâm TBS logistics

Tiềm năng lớn

Trao đổi với chúng tôi tại hội nghị, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, nhấn mạnh mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang chịu tác động tiêu cực bởi tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, riêng tỉnh Bình Dương đã xây dựng tầm nhìn chiến lược thông qua các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thực tiễn, chiều sâu; ý thức tạo lòng tin và thuận lợi cho DN thông qua các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực; nhiều khu công nghiệp được mở ra với tỷ lệ phủ kín đến trên 90% diện tích thực tế. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu quốc tế đã đầu tư tại Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, mà Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN hợp tác với nhau, phát triển dịch vụ logistics.

Chia sẻ về việc vận chuyển, lưu thông và xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng biển đến thị trường Hoa Kỳ, ông John McCarthy, Giám đốc Điều hành cảng Tacoma (Hoa Kỳ), khẳng định hàng nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi các nhà đầu tư và DN Hoa Kỳ nhận ra tiềm năng và năng lực sản xuất của Việt Nam. “Hơn 70% hàng hóa đóng container quốc tế di chuyển qua cảng Tacoma được dành cho các khu vực miền Trung và miền Đông của Bắc Mỹ. Tacoma có một số hãng tàu chuyên tuyến như Cosco, Evergreen (EMC), Maersk line, ONE, Yang Ming… Bên cạnh đó, với vị trí cảng gần thị trường Đông Á và Đông Nam Á về mặt địa lý, hàng hóa Việt Nam vào Mỹ thông qua cảng Tacoma sẽ có cơ hội tiếp cận bang Washington, một trong những bang có độ mở thương mại lớn nhất Hoa Kỳ, đứng số 1 tại Hoa Kỳ về xuất khẩu hàng không vũ trụ, sản phẩm gỗ, cà phê, hải sản chế biến sẵn... Lợi thế sẵn có của Tacoma gồm các thiết bị đầu cuối sẵn sàng cho tàu lớn, dịch vụ liên phương thức tại bến và thời gian vận chuyển bằng đường sắt nhanh chóng đến các điểm đến chính trong nội địa Hoa Kỳ, công suất bốc dỡ và lưu kho vượt mức cùng mạng lưới hậu cần mạnh mẽ”, ông John McCarthy cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định: “Chúng tôi mong muốn sẽ giúp các DN Bình Dương và Hoa Kỳ có cơ hội tìm hiểu, trao đổi, hợp tác kinh doanh phát triển dịch vụ logistics. Hội nghị nhằm cập nhật thông tin về xu hướng phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hỗ trợ các DN trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với một hệ thống hệ thống logistics hiện đại, tạo động lực cho các DN đổi mới, sáng tạo và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng”.

Phấn đấu trở thành trung tâm vệ tinh

Ông Nguyễn Thanh Toàn nhấn mạnh trong những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, đồng thời với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đô thị. Với lợi thế là tỉnh công nghiệp phát triển và là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu vốn đầu tư nước ngoài, Bình Dương là mảnh đất màu mỡ cho các DN đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics với hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN.

Do vậy, tỉnh xác định tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển kinh tế của Bình Dương. Về định hướng từ nay đến năm 2030, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Bình Dương tăng cường thu hút đầu tư để phát triển nhanh hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao về sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa là yêu cầu cấp bách cho sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

Bình Dương đang quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài thúc đẩy phân phối đến các tỉnh, thành phố trong khu vực, xuất khẩu ra nước ngoài; hình thành một số trung tâm logistics có quy mô cấp khu vực trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các DN phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Cảng Tacoma xử lý gần như toàn bộ (80%) hàng hóa đường biển đi lại giữa Hoa Kỳ và bang Alaska. Với một bến cảng nước sâu tự nhiên, các dịch vụ từ hai tuyến đường sắt chính và quỹ đất dồi dào có sẵn để mở rộng, cảng Tacoma ngày càng hấp dẫn cho thương mại quốc tế.

TIỂU MY - THẠNH MỸ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên