Cùng với các hoạt động hướng tới cộng đồng để nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ nguồn nước, nâng cao sức khỏe đời sống người dân, BIWASE đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục học đường dành cho học sinh (HS) khối lớp 4, 5. Đây là chương trình giáo dục ngoại khóa, nhằm mục đích bổ sung kiến thức thực tế và nâng cao nhận thức về nước sạch và bảo vệ nguồn nước sạch, tác hại của sự ô nhiễm nguồn nước. Học sinh hoạt động tập thể với trò chơi tiết kiệm nước
Dự án nạo vét, gia cố suối Chợ thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Đại Phú Thịnh là nhà thầu thi công xây dựng là công trình quan trọng cấp thiết để thoát nước đã qua xử lý cho Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương và giải quyết việc tiêu thoát nước cho khu đô thị dân cư thị trấn Tân Phước Khánh. Dự án được UBND tỉnh quan tâm, nên ngay từ đầu công ty đã triển khai triệt để mọi nguồn lực giải tỏa đền bù để thi công công trình. Tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù 40 tỷ đồng, dự án khởi công vào tháng 3-2013. Đến nay, nhà thầu đã thi công hoàn thành nạo vét và gia cố suối Chợ từ km 1+500 đến km 5+107, xây dựng các cầu cho 4 suối nhánh, xây dựng các cầu suối Chợ. Đây là dự án được người dân trông đợi, nên khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tạo được sự phấn khởi khi mà đường đi thông thoáng thuận lợi và mang lại vẻ mỹ quan cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác. Từ đây một vùng đất mới tỏa sáng, tạo ra cú hích cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cộng đồng cho người dân thị trấn Tân Phước Khánh.
Theo Thông tư số 41/2013/ TT-BTNMT ngày 2-12-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiêu chí nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường (Nhãn xanh Việt Nam) tương ứng cho từng nhóm sản phẩm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và bao gồm 2 nội dung chính, đó là: Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và lao động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại. Thông tư cũng nêu rõ, việc gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Doanh nghiệp muốn gắn Nhãn xanh Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam tới Tổng cục Môi trường. Trường hợp đạt yêu cầu, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm công bố Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm được chứng nhận trên Tạp chí Môi trường, trên các tài liệu tuyên truyền quảng bá Nhãn xanh Việt Nam và trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường. Hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam bao gồm: 1 đơn đề nghị chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; 1 bản chính báo cáo hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp hoặc 1 bản sao có chứng thực giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia ISO 14001 còn hiệu lực; 1 bản chính báo cáo đánh giá sản phẩm đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam kèm theo kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp có thời hạn không quá 6 tháng; 1 bản sao y bản chính giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bản vẽ và 1 bản chụp hoặc vẽ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có kích cỡ bằng 21x29cm... Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2014.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 50/2013/QÐ TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-1-2015 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là: Ắc-quy và pin; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản... Cụ thể, sẽ thu hồi và xử lý ắc-quy các loại, pin các loại thải bỏ từ ngày 1-1-2015. Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp thải bỏ như bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính; máy in; máy fax; máy chụp ảnh; máy quay phim; máy điện thoại di động; máy tính bảng... Từ ngày 1-1-2015, thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ đã hết thời hạn sử dụng là hóa chất công nghiệp nguy hiểm; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong thú y; hóa chất, sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản; thuốc sử dụng cho người. Từ ngày 1-1-2016, thu hồi và xử lý máy photocopy, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt thải bỏ... Với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1-1-2018... Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 25-9-2013.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường, mỗi ngày toàn tỉnh có trên dưới 400 tấn rác thải rắn thải ra, trong đó chỉ có khoảng 60 - 70% rác thải rắn được tận dụng tái chế, khoảng từ 40 - 60 tấn rác thải nguy hại chưa được thu gom xử lý. Trung bình cứ sau 1 năm lượng rác trên lại tăng trên dưới 20% ứng với nó là lượng rác thải chưa được kiểm soát cũng tăng. Một thực tế nữa là một bộ phận người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn chưa cao, thậm chí rác thải công nghiệp trộn lẫn với rác thải sinh hoạt gây khó khăn trong quá trình xử lý. Hiện nay, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tiếp nhận mỗi ngày trên 900 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại từ sản xuất công nghiệp. Nhà máy sản xuất phân compost nằm trong chuỗi hệ thống các dự án xử lý rác thải khép kín tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương có nguồn vốn tài trợ là 6,7 triệu Euro, công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 420 tấn/ngày, sự ra đời của nhà máy là rất quan trọng cho phân loại rác thải để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rác (rác thải sinh hoạt) góp phần tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời giảm thiểu việc chôn lấp chất thải theo công nghệ thủ công, chiếm nhiều diện tích đất và gây ô nhiễm lâu dài trong lòng đất. Quy trình sản xuất phân compost được thực hiện bán tự động, rác thu gom tập kết tại hố tiếp nhận rồi chuyển sang băng chuyền phân loại với nhiều kích cỡ lỗ sàng khác nhau, tại công đoạn phân loại các phế liệu được tận thu để tái chế thành nhiều vật liệu hữu ích. Phần chất hữu cơ từ giai đoạn sàn được đưa vào các bể ủ lên men sau đó chuyển qua giai đoạn ủ chín và sàng tuyển để thành phân compost. Trước khi đóng bao thành phẩm, phân compost được phối trộn thêm những thành phần dinh dưỡng như N, P, K. Hiện phân compost do Xí nghiệp Xử lý chất thải trực thuộc Biwase sản xuất được phân phối trên thị trường với nhãn hiệu “Con Voi”. Loại phân compost này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận khảo nghiệm, kết quả so sánh với các sản phẩm phân cùng loại có hiệu quả tương đương, phù hợp bón cho các loại cây cao su, tiêu, điều... Cùng với những nỗ lực của Biwase rất cần sự chung tay của người dân, hãy bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là phân loại rác thải tại nguồn, ủng hộ những sản phẩm tái chế từ rác, có như thế Bình Dương mới luôn có được môi trường xanh - sạch - đẹp, hấp dẫn các nhà đầu tư.