Thực tế, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) luôn là đối tượng ưu tiên của khuyến công Bình Dương những năm qua. Trên cơ sở chương trình khuyến công, hàng năm khuyến công Bình Dương hỗ trợ 10 - 15 cơ sở, doanh nghiệp CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Khuyến công Bình Dương những năm qua đã phát huy tốt vai trò vốn mồi, khuyến khích được các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư vào sản xuất tăng đáng kể năng lực nội sinh. Đây cũng là cơ sở giúp Bình Dương hoàn thành chương trình khuyến công của tỉnh là nền tảng để tỉnh xây dựng chương trình khuyến công giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, chương trình khuyến công ngày càng thu hút sự quan tâm của UBND tỉnh. Nguồn kinh phí dành cho khuyến công địa phương được cải thiện rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2009- 2016, mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ cấp từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, để thực hiện nội dung này thì từ năm 2017 đến nay, con số này đã tăng lên 2 - 3 tỷ đồng, hiện nay kinh phí hàng năm từ 5 - 6 tỷ đồng. Tương ứng với đó là vốn đối ứng từ các doanh nghiệp CNNT cũng đạt con số đáng kể mỗi năm. Như vậy, trung bình 1 đồng vốn khuyến công sẽ thu hút được vốn đối ứng từ đối là con số đáng ghi nhận, cũng đồng thời là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả chương trình khuyến công của Bình Dương sau nhiều năm nỗ lực triển khai thực hiện.
Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp CNNT ngày một khó khăn khi giá đầu vào đều tăng, thì sự hỗ trợ từ kinh phí không hoàn lại của chính sách khuyến công sẽ tạo thêm động lực để các cơ sở ổn định sản xuất, mở rộng nhà xưởng, mạnh dạn đầu tư trang bị các loại máy móc, thiết bị hiện đại để làm giảm sai sót trong quá trình sản xuất, thay thế cho lao động thủ công. Từ đó, giúp sản phẩm trở nên đa dạng, phong phú hơn và tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
TIỂU MY