Một chiến dịch phản gián hoàn hảo

Cập nhật: 26-08-2010 | 00:00:00

Trên 40 năm công tác trong lực lượng Công an, tôi đã từng tham gia nhiều chuyên án nghiệp vụ, tham gia nhiều phương án, kế hoạch đấu tranh bí mật với kẻ địch có hiệu quả mà trong đó hiệu quả toàn vẹn nhất, triệt để nhất là cuộc đấu tranh: "Phòng chống gián điệp biệt kích của Mỹ-ngụy từ năm 1961 đến 1973".

 

Thực chất gián điệp biệt kích (GĐBK) là lực lượng vũ trang duy nhất của Mỹ - ngụy hoạt động trên lãnh thổ miền Bắc với âm mưu cơ bản: "Đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản". Mục tiêu chủ yếu là:

 

1- Khống chế tuyến đường huyết mạch ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, ngăn chặn chi viện của các nước XHCN cho cách mạng Việt Nam.

 

2- Xây dựng lực lượng ngầm ở các tỉnh miền núi và gây phỉ làm rối loạn địa bàn chiến lược vùng núi.

 

3- Thu tin tình báo chỉ điểm cho Không quân, Hải quân Mỹ ném bom, bắn phá (khi đế quốc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc 1965 - 1973).

 

4- Phá hoại các công trình quốc phòng, giao thông kho tàng, các cơ sở kinh tế, ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

 

5 - Đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý theo luận điệu đài phát thanh của "Gươm thiêng ái quốc". Đây là một đài chiến tranh tâm lý cực kỳ nguy hiểm, tác động mạnh tư tưởng người nghe.

 Công an Sơn La bắt gián điệp biệt kích ngay khi chúng vừa tiếp đất.

Đêm 27-5-1961, toán GĐBK Castor đầu tiên nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Kỳ, xã Phiếng Ban, châu Phù Yên (Sơn La) đã bị các lực lượng công an, dân quân và nhân dân địa phương phát hiện, bao vây truy bắt, 3 ngày ròng rã và cuối cùng cả toán 4 tên đều bị bắt sống cùng đầy đủ các vũ khí (súng đạn, thuốc nổ...) phương tiện (vô tuyến hiện đại) trong khi chúng chưa kịp liên lạc báo cáo gì với trung tâm chỉ huy.

 

Đồng chí Nguyễn Tài, Cục trưởng cùng một số cán bộ Cục Bảo vệ chính trị Bộ Công an đã có mặt sớm tại hiện trường để khai thác từng tên biết rõ âm mưu của địch trước mắt và lâu dài, đồng thời thuyết phục chúng tự nguyện lập công chuộc tội nhất nhất làm theo sự chỉ đạo của ta trong trò chơi nghiệp vụ.

 

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ra lệnh điều động một số cán bộ của các cục nghiệp vụ khác trong Bộ tăng cường cho Cục Bảo vệ chính trị (BVCT) khẩn trương, đối với GĐBK. Đồng chí Trần Minh (sau này là Tổng biên tập Báo CAND, Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục 3) và tôi (Q.P) tham gia công tác nghiên cứu tổng hợp tình hình, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch toàn diện chống GĐBK.

 

Trung ương Đảng và Bộ Công an đã từng phán đoán sớm là Mỹ-ngụy sẽ tung GĐBK ra miền Bắc nhưng đến nay mới hiện hữu. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn muốn chỉ đạo điển hình, đi trước một bước xây dựng kế hoạch phòng chống GĐBK làm sao huy động được sức mạnh của toàn dân, của bộ đội dân quân, của các ngành, các đoàn thể ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Công an dưới sự lãnh đạo của Đảng các cấp.

 

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho tôi đi Lào Cai cùng với thư riêng gửi đồng chí Trương Minh, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Long, Thường vụ Tỉnh ủy -  Trưởng ty Công an Lào Cai. Đồng chí Trương Minh liền triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng cho các bí thư Huyện ủy, các đồng chí phụ trách các ban, ngành, các tổ chức Quân dân chính của tỉnh.

 

Tôi được trình bày nội dung: âm mưu của Mỹ-ngụy tung GĐBK ra phá hoại miền Bắc và kế hoạch phòng chống GĐBK của ta... Hội nghị thảo luận rồi cuối cùng đồng chí Trương Minh thay mặt, Tỉnh ủy chỉ thị: giao trách nhiệm phòng chống GĐBK cho công an làm nòng cốt; các ngành, tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với công an; bộ đội dân quân khi bắt được GĐBK thì lập tức giao ngay người và các phương tiện, vũ khí nguyên vẹn cho công an xử lý...

 

Đồng chí Trần Long cũng triệu tập cuộc họp các ban của Ty Công an và các trưởng huyện Công an. Sau hội nghị này đồng chí Quế, Phó ban BVCT Ty Công an Lào Cai và tôi về cùng đồng chí Thuần - Trưởng Công an huyện Sapa tổ chức hội nghị các trưởng công an xã: hướng dẫn cụ thể việc nắm lại danh sách những người trước đây đã tham gia: lính Páctidăng, phỉ, GCMA: Biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GROVPE COMMANDO MIXTE AÉROPORTÉ)... nay ai còn ở địa phương, làm nghề gì, thái độ chính trị ra sao?

 

Ai đã đi Nam (đặc biệt chú ý những người độ tuổi dưới 40, còn có cha mẹ, vợ con, người thân ở lại địa phương) xây dựng kế hoạch đón lõng những người đó làm GĐBK về bắt liên lạc với gia đình thân nhân, đồng đội cũ...  xây dựng kế hoạch công an xã, dân quân theo dõi máy bay đêm để phát hiện địch thả dù biệt kích, tổ chức bao vây truy bắt; báo cáo sớm nhất về công an huyện, tỉnh; bắt được GĐBK phải đối xử tử tế, cho ăn uống no đủ, các vũ khí, phương tiện phải thu lại bảo quản cẩn thận không được coi là chiến lợi phẩm mà phân tán bừa bãi...

 

Đồng chí Quế và tôi còn trực tiếp đi một xã trọng điểm vùng cao của huyện Sapa trước đây có GCMA hoạt động: xã Seo Mí Tỉ để kiểm tra, hướng dẫn cụ thể.

 

Các cuộc hội nghị của Bộ Công an triệu tập vào cuối năm 1961 và 1962 bàn về các chuyên đề phòng chống gián điệp và GĐBK thì Công an Lào Cai được báo cáo điển hình, rút ra từ kinh nghiệm thực tế.

 

Ngoài kế hoạch của Công an chủ động giăng lưới bủa vây bắt GĐBK thì một điều tôi tâm đắc nữa là công tác tuyên truyền vận động phong trào toàn dân phát hiện và truy bắt GĐBK được đông đảo  mọi người tham gia tích cực và có hiệu quả rất lớn.

 

Hồi ấy chúng ta chưa có vô tuyến truyền hình, chỉ có Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam thôi nhưng những buổi phát thanh "Câu chuyện cảnh giác" vào tối thứ Bảy hàng tuần đều được nhân dân ta từ già trẻ, trai gái náo nức đón nghe. Các báo chí của Trung ương và địa phương luôn luôn có bài, có những mẩu chuyện về phát hiện và bắt GĐBK. Cứ vài tháng một lần, tòa án lại có vụ xét xử GĐBK ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang..., các cuộc triển lãm về các vụ GĐBK tổ chức lưu động khắp nơi luôn hâm nóng chuyện phòng chống GĐBK trong suốt 12 năm đó.

 

Khi đế quốc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc từ năm 1965 thì các cơ quan, xí nghiệp, trường học ở các thành phố, thị xã đều sơ tán về vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh để tránh máy bay địch bắn phá nên các ban bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, trường học khi tuyên truyền vận động nhân dân địa phương tham gia công tác bảo mật phòng gian cho cơ quan, xí nghiệp đều có gắn với truyên truyền phòng chống GĐBK.

 

Hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên