Ông có thói quen đọc báo và viết báo từ thời đi học. Làm thơ, viết báo, nghiên cứu kinh dịch, mệnh lý, dạy học, chữa bệnh cứu người… đều được ông tận tâm với một sự say mê bền bỉ. Đến nhà thầy giáo - thầy thuốc ưu tú Lê Hưng hiện nay, cũng thấy mỗi ngày ông đọc vài tờ báo “để đủ thông tin cần thiết”…
Ông Lê Hưng (bìa trái) với người bạn, nhà báo Trọng Đạt
Ông cho biết như thế khi tôi nói “chú đọc nhiều báo quá”! Từ tạp chí văn học Phố Hiến, Sông Hương đến sách y học, dịch thuật, tôn giáo và cả những nhật báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, ông đều nghiền ngẫm. Đọc và viết báo đối với thầy thuốc Lê Hưng như một niềm say mê và cả trách nhiệm của người luôn quý trọng thông tin, muốn truyền trao thông tin cho nhiều người cùng biết. Ông Lê Hưng quan niệm đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng bởi “đem cái biết của mình cho nhiều người cùng biết, là điều nên làm vậy”. Cái biết của ông là về y học, y thuật và ông đã từng viết trên các báo để tư vấn rất nhiều người.
Ông Lê Hưng kể: “Sau năm 1975, tôi dạy học (môn toán) ở trường Lâm nghiệp Trung ương 4, nay là phân hiệu trường Đại học Thủy lợi (Bình Dương). Đến năm 1990, tỉnh có yêu cầu thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền nên rút tôi về làm Trưởng phòng Y vụ Bệnh viện Y học cổ truyền cho đến năm 1994, tôi làm Phó Giám đốc bệnh viện (hồi đó gọi là y học dân tộc). Về cái duyên viết báo là do ông Nguyễn Xuân Quang (Hai Quang), nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé, giai đoạn 1978-1986 mời gọi. Khi đó, tôi cùng lương y Vương Sanh làm việc ở phòng khám đông y châm cứu chùa Ông Ngựa rất đông khách. Ông Hai Quang đề nghị tôi viết cho mục Khoa học đời sống trên báo Sông Bé. Chuyên mục này nói về các chứng bệnh, cách chữa bệnh theo y học cổ truyền, các bài thuốc quý cho mọi người cùng biết”. Vậy là ông Lê Hưng làm cộng tác viên thường xuyên của chuyên mục Khoa học đời sống từ năm 1980 đến 1995 (thời ông Nguyễn Xuân Vinh làm Tổng Biên tập). Song song với viết chuyên mục này, ông Lê Hưng còn làm tập san chuyên đề Châm cứu tỉnh Sông Bé. Cả chuyên mục Khoa học và Đời sống trên báo cũng như tập san Châm cứu Sông Bé có rất nhiều bác sĩ, dược sĩ cộng tác. Họ viết bài đều đặn và cũng từ đó, mọi người trở thành những người bạn thân tình của nhau.
Nhìn cách ông Lê Hưng sưu tập từng bài viết trên báo Sông Bé rồi đóng thành 4 tập, mới thấy ông quý chữ nghĩa dường nào! Đọc lại vẫn còn nhiều bài “mang tính thời sự” bởi những bệnh này ngày càng phổ biến như “Tại sao hay đau lưng?”, “Hen phế quản”… trong đó nêu đầy đủ các nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh. Ông còn cẩn thận ghi lại từng số báo nào, đăng ngày mấy nên có thể nói đây là một “kho” lưu trữ các bài báo về sức khỏe rất có giá trị.
Là người dòng dõi gia tộc Lê Lã ở Hưng Yên, gia đình ông Lê Hưng vẫn còn gìn giữ nét gia phong, gia tộc: “Am lịch sự cố, canh lịch sự biến, luyện lịch sự tình” (nghĩa: hiểu tốt sự việc, làm tốt tình huống, rèn luyện tốt giao tiếp). Ông vẫn ngày đêm miệt mài khám, chữa bệnh, viết sách, làm thơ như cái nghiệp “con tằm nhả tơ” cho đời những kiến thức y văn, mệnh lý. Và, ông vẫn dành một góc… “cà phê sáng” cho bạn bè, thân hữu và các thế hệ học trò của mình cùng đến chơi nói chuyện báo chí, thời sự mỗi ngày…
QUỲNH NHƯ