Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Nghiêm (xã An Tây, TX.Bến Cát) có 2 con là liệt sĩ (LS). Hai anh em Dương Văn Bẻn và Dương Văn Bỉ, con mẹ, đều đã hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nén nỗi đau mất con, mẹ nuôi dạy những người con, người cháu nối tiếp truyền thống vẻvang của gia đình.
Chúng tôi đến thăm mẹ VNAH Nguyễn Thị Nghiêm trong ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của con cháu tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây. Tuy đã bước sang tuổi 103 nhưng sức khỏe của mẹ còn khá tốt. Trong căn nhà ấy, chúng tôi đặc biệt chú ý đến không gian giữa, nơi thờ di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công của hai con trai mẹ. Nhớ con, mỗi buổi chiều mẹ với tay lên bàn thờ lau tấm bằng Tổ quốc ghi công. Nhớ lại thời chiến tranh, mẹ tâm sự: “Trước đây khi đồng ý lấy ông Dương Văn Lối (SN 1910), mẹ đã chuẩn bị sẵn tinh thần cùng chồng tải đạn, đào hầm, cung cấp lương thực cho cách mạng. Bởi thời đó, ông Lối đã nổi tiếng khắp vùng là một thanh niên tâm niệm sống và cống hiến cho cách mạng. Do đó, mẹ không sợ khó, sợ khổ sát cánh cùng chồng phục vụ kháng chiến. Nhiều lúc địch bắt tra khảo nhưng mẹ thà chết chứ không khai nửa lời”.
Đến năm 1939, mẹ hạnh phúc đón sự ra đời của người con trai đầu Dương Văn Bẻn (tự Thạnh). Rồi lần lượt đến 7 người con kế tiếp ra đời. Vất vả nuôi con nhưng mẹ luôn hạnh phúc vì các con luôn chăm ngoan. Càng lớn, các con mẹ càng thể hiện lòng yêu nước, khí phách của người cộng sản, đặc biệt là anh Dương Văn Bẻn. Chưa đầy 18 tuổi, anh đã xin đi du kích xã An Tây, trở thành cán bộ an ninh xã. Năm 1972 trên đường công tác tại xã Long Nguyên anh đã hy sinh. Hiện nay, phần mộ của LS Bẻn được đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Bến Cát.
Cũng như anh trai Dương Văn Bẻn, anh Dương Văn Bỉ (SN 1943) cũng nối bước truyền thống cách mạng của gia đình. Năm 20 tuổi, anh tham gia du kích xã An Tây, sau đó chuyển sang công tác tại Quân đoàn 4. Năm 1968, anh hy sinh tại Sài Gòn khi đang cùng đồng đội xuống đường giành lấy hòa bình. Con hy sinh ở xa, mẹ chỉ được nghe tin mà không có cơ hội đưa anh về. Đến nay, phần mộ của LS Bỉ ở đâu, gia đình vẫn chưa tìm được.
Mất đi hai người con trai lớn, mẹ Nghiêm quyết tâm biến nỗi đau thành sức mạnh. Mẹ càng nung nấu ý chí căm thù giặc, càng quyết tâm giúp đỡ, tiếp tế lương thực, thuốc men cho các lực lượng cách mạng.
Sau giải phóng, năm 1976, đến lượt anh Dương Văn Phàn (SN 1951), người con thứ 6 của mẹ Nghiêm, đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ban đầu anh là lính của Tiểu đoàn 1 Phú Lợi, rồi sang hỗ trợ dân Campuchia đánh giặc Pôn Pốt. Qua gần 3 năm trong quân ngũ, anh đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt. Anh Phàn nói: “Gia đình có hai người anh hy sinh nhưng tôi không hề sợ. Tôi cảm thấy tự hào khi mình được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Tôi đã cùng đồng đội vào sinh ra tử nhưng không hề lung lay ý chí chiến đấu”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã An Tây Trần Trung Thành bộc bạch, đối với mẹ VNAH, những người có công với cách mạng, Đảng, chính quyền, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng tôi luôn thể hiện sự tri ân bằng những hành động cụ thể như cố gắng chăm lo, phụng dưỡng, tạo điều kiện giúp đỡ để đền đáp công ơn. Riêng đối với xã An Tây, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, hàng năm mỗi dịp lễ, tết, xã thường tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà; vận động các cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng các mẹ, hỗ trợ các gia đình chính sách.
THIÊN LÝ