Một đời vì sự nghiệp cách mạng

Cập nhật: 03-09-2014 | 10:01:46

Chúng tôi tìm về thăm mẹ Trần Thị Bổi, ngụ tại phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát khi mẹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ nói trong niềm xúc động, dù mấy ngày đã trôi qua, nhưng mẹ vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc vui sướng, tự hào.

Mẹ Bổi nay đã 92 tuổi nhưng trông mẹ còn khỏe và vẫn còn nhớ về ký ức của những năm tháng đã trôi qua. Mẹ nói, khi đất nước bị giặc Pháp đô hộ, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào cũng đứng lên chống lại giặc ngoại xâm. Chồng mẹ, liệt sĩ Huỳnh Văn Cam (tự Hùng Cường) là một trong những người như vậy. Trước kia, ông là công nhân cao su, nên ông càng thấu hiểu nỗi khổ của đời người công nhân khi bị chủ tư bản Pháp bóc lột.

Năm 1940, ông được các đảng viên của tỉnh bí mật xây dựng cơ sở mật để củng cố lực lượng. Tháng 10-1944, Chi bộ xã Hòa Lợi được thành lập, ông được tổ chức chỉ định là Bí thư chi bộ. Ông và các đảng viên trong chi bộ đã vận động quần chúng xây dựng nòng cốt trong các ấp, nhất là lực lượng thanh niên, đồng thời tuyên truyền vận động quần chúng ở các làng thuộc tổng Bình Phú. Dưới sự chỉ đạo của ông, Chi bộ Hòa Lợi đã gây được nhiều tiếng vang như: Tháng 3-1945, lãnh đạo tổ chức nhóm vận động công nhân cao su trên địa bàn xã Hòa Lợi, thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong tại địa phương với nhiều hình thức. Tổ chức này ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong việc canh gác bảo vệ xóm làng. Dần dần bộ máy tề mất tác dụng, tổ chức Thanh niên Tiền Phong từng bước thay thế ban hội tề xã quản lý trật tự an ninh trong xã và làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ hoạt động. Tháng 12-1945, khi ông Huỳnh Văn Cam đang chủ trì một cuộc họp tại nhà ga xe lửa An Hòa thì bị Pháp ập vào bắt. Không lâu sau đó ông trốn về và tiếp tục hoạt động cách mạng. Với sự thông minh, gan dạ, ông đã được cấp trên giao nhiều trọng trách quan trọng, ông từng là Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Tháng 6-1959, trên đường đi công tác, ông bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Ở nơi địa ngục trần gian, ông vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng và đã bị giặc tra khảo đến chết...

Kể đến đây, giọng mẹ Bổi chùng lại. Mất đi một người thân yêu, lòng mẹ nhói đau và lòng căm thù giặc càng nhân lên. Vì thế, mẹ vẫn động viên người con trai là ông Huỳnh Văn Tân nối gót cha làm cách mạng. Khi ấy ông Tân mới 15, 16 tuổi, ông được cách mạng đưa vô rừng vừa học văn hóa, vừa làm cách mạng. Sau này, ông chiến đấu ở chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông hy sinh vào tháng 6-1967 khi đang là Tiểu đội trưởng quân đội nhân dân Việt Nam.

Mẹ nhắc đi nhắc lại, đất nước ta có được độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối như bây giờ là nhờ sự đóng góp xương máu của những người yêu nước, trong đó có chồng và con của mẹ. Mẹ chỉ buồn là đến giờ này vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ Huỳnh Văn Tân. Nhưng, dù thân xác ông có còn nằm đâu đó, nhưng Tổ quốc vẫn đời đời ghi nhớ công ơn của liệt sĩ Tân cho công cuộc giải phóng đất nước.

Về phần mẹ, trong thời gian chồng tham gia hoạt động cách mạng, mẹ đã làm tròn trách nhiệm của người dâu thảo ở gia đình chồng, nuôi dưỡng các con nên người. Không những vậy, có thời gian mẹ còn là cơ sở của cách mạng, mẹ làm giao liên, đi đưa thư ở Biên Hòa, Lái Thiêu. Mẹ còn đào 2 hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Nhờ sự chở che của mẹ, nhiều cán bộ cách mạng không bị lọt vào tay của địch. Với những đóng góp trên, mẹ còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng III.

 

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên