Nghèo vẫn giữ nghề
Trước giải phóng ông Huê là GV trường Nam Châu Thành. Năm 1977 ông nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Hiện nay ông đã gần 90 tuổi, dù không còn minh mẫn, nhưng ngày ngày ông vẫn duy trì thói quen đọc sách. Ông có tất cả 7 người con gồm 5 trai, 2 gái. Ông tâm sự: “Quan điểm của tôi là không chú trọng chia con tài sản, mà cho con kiến thức. Vậy nên, dù nghèo cách mấy tôi vẫn nuôi con ăn học”. Là nhà giáo nên ông Huê cũng hướng các con theo nghiệp làm thầy. Vì ông quan niệm, nghề giáo là nghề cao quý trong tất cả những nghề cao quý. Ngay như ông, ngày trước ông đã đưa biết bao chuyến đò sang sông. Thấm nhuần lời cha dạy bảo, các con ông rất siêng năng học tập. Và có lẽ do mang gien di truyền thông minh của ông nên cả 7 con đều học giỏi. Đại gia đình nhà giáo Trần Huê
Thông thường nghề nào có được thu nhập cao thì nhiều người thích. Nhưng với nghề giáo từ trước đến thời điểm hiện tại là nghề đúng với hai tiếng thanh cao. Thanh cao bởi đồng lương khiêm tốn và cuộc sống thanh bạch. Thậm chí có những thời điểm đồng lương nhà giáo là đồng lương thanh bần. Nhưng với ông Trần Huê, yêu nghề giáo nào câu nệ chuyện thu nhập thấp cao, dù gia đình ông thời ấy phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Trong gia đình có 1 - 2 người con, cha mẹ đã vất vả, cùng lúc nuôi 7 con ở tuổi ăn, tuổi học quả là một gánh nặng với ông bà Huê. Ông Trần Ngọc Hùng, người con thứ 5 nhớ lại: “Ngày mới giải phóng, đất nước còn khó khăn, đời sống của nhân dân nói chung còn khá chật vật. Ngày đó, mỗi khi ba tôi nhận lương, mẹ tôi mua vài bao gạo và mấy gánh dưa về muối. Bữa ăn dù dưa cà đạm bạc, nhưng anh em chúng tôi ai ai cũng miệt mài đèn sách”. Những năm cuối thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 20, vì quá khó khăn, không ít nhà giáo đã rời bục giảng, chuyển sang làm công việc khác. Nhưng với ông Huê, ông vẫn không thay đổi ý định hướng các con vào ngành giáo.
Năm 1976-1977, do thiếu GV, ngành giáo dục mở khóa đào tạo GV cấp tốc để bổ sung cho các trường. Đang là học sinh giỏi của trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An), chưa tốt nghiệp tú tài, người con thứ 6 của ông là Trần Ngọc Hiệp đã đi dạy học. Thấy anh vô sư phạm, người em kế là Trần Ngọc Hội cũng đăng ký học khóa sư phạm cấp tốc nhưng bị trường “chê” nhỏ tuổi, đành trở về học tiếp. Cứ như vậy, những người con của ông lần lượt theo nghề giáo.
Tiếp nối truyền thống gia đình, các cháu nội, cháu ngoại của ông cũng nối nghiệp cha, chú làm nghề giáo. Cụ thể như thầy Trần Ngọc Hùng, hiện là Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông lâm nghiệp, vợ ông nguyên là GV trường THPT Trịnh Hoài Đức; con và dâu là cán bộ, giảng viên trường ĐH Khoa học tự nhiên. Gia đình thầy Trần Ngọc Hào có 4 người đang là giảng viên của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Phấn đấu không ngừng
Nhắc đến các con, cháu, ông Trần Huê rất đỗi tự hào: “Như vậy gia đình tôi có 6 người con, 3 dâu, 5 cháu là giảng viên, GV. Trong số đó có rất nhiều người hiện là cán bộ, giảng viên của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, có 2 người là tiến sĩ”.
Thầy Trần Ngọc Hiệp và những học trò thân yêu
Kiến thức là tài sản vô giá, nhưng không ai tự nhiên cho mình, mà mỗi người phải tự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu. Cuộc sống khá giả chuyện rèn luyện vươn lên sẽ là điều kiện thuận lợi nhưng với những gia đình cuộc sống còn khó khăn thì việc nâng cao trình độ luôn là sự vượt khó. Dẫu trong khó khăn nhưng điểm nổi bật nhất ở gia đình này là mỗi người tự phấn đấu vươn lên. Các con ông Huê thành đạt như ngày hôm nay, họ đã trải qua quá trình phấn đấu, khổ luyện. Thầy Trần Ngọc Hiệp, hiện là GV trường THPT Võ Minh Đức nhớ lại, “học xong lớp sư phạm, tôi được điều về dạy ở Bù Na (Bù Đăng, Bình Phước). Về đây điều kiện giảng dạy khó khăn, ăn uống kham khổ, đồng lương thấp, nhưng vì không muốn học trò của mình thất học, tôi vẫn cần mẫn gieo chữ. Tôi quan niệm, đã chọn nghiệp làm thầy thì phải thường xuyên trau dồi kiến thức, không ngừng học tập nâng cao trình độ. Ngày dạy học, ban đêm tôi mua sách về tự học. Vậy mà tôi đã thi đậu ĐH Sư phạm TP.HCM”.
Ông TRẦN NGỌC HÙNG, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông lâm nghiệp:
Sau giải phóng, ba tôi bị bệnh nghỉ việc nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nhưng các con cháu có nhiều cố gắng trong học tập, công tác và đạt thành tích gia đình nhà giáo như ngày hôm nay. Có được điều này là do có sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự động viên giúp đỡ của gia đình và sự cố gắng vượt bậc của các con cháu. Lối sống thanh bạch của một người cha là nhà giáo đã định hướng cho chúng tôi học tập và công tác tốt như ngày hôm nay.
Riêng với tiến sĩ Trần Ngọc Hội, giảng viên trường ĐH Khoa học tự nhiên thì quá trình nỗ lực vươn lên của thầy càng đáng khâm phục. Sau khi tốt nghiệp ĐH, thầy tiếp tục học cao học ở nước ngoài. Trước đây thầy học tiếng Pháp, sau đó ngoại ngữ này không còn thịnh hành nữa, thầy chuyển sang học tiếng Anh để phục vụ cho việc học tập. Nhưng trớ trêu thay, các trường có sử dụng tiếng Anh không có học bổng. Để săn học bổng của trường ĐH Lêningrat, thầy Hiệp chịu khó đi học tiếng Nga. Không lâu sau thầy đã thông thạo ngoại ngữ này. Vài năm sau thầy trở thành tiến sĩ toán học của trường ĐH Lêningrat.
Cái duyên làm thầy đã đeo đuổi các con, cháu của ông Huê. Hạnh phúc của những nhà giáo trong gia đình ấy là nhìn lớp lớp học sinh đã trưởng thành, không ít người giữ những vị trí cao trong xã hội. Những ngày này, khi Ngày Nhà giáo Việt Nam (20- 11) đang đến gần, thì cảm xúc của người thầy càng dâng trào, các thế hệ học trò đã tìm về thăm lại người thầy cũ. Ngày chúng tôi tìm đến nhà thầy Hiệp, một bó hoa tươi thắm do một học trò cũ đang công tác ở TP.HCM vừa tặng thầy ngày hôm trước, được thầy để trang trọng trong phòng khách. Ngồi chưa lâu, có thêm một nhóm học trò tốt nghiệp năm 2008 và những em đang học ở trường THPT Võ Minh Đức đến thăm thầy. Những kỷ niệm thầy trò cứ thế ùa về, những lời tri ân sâu sắc về người thầy đáng kính được các em nhắc lại nhiều lần…
H.THÁI