Một nghị định, nhiều băn khoăn

Cập nhật: 11-12-2020 | 05:33:48

Sau khi Nghị định 126/2020/ NĐ-CP (NĐ 126) của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5-12, có nhiều nội dung khiến người dân, các ngân hàng thương mại (NHTM) băn khoăn. Sự băn khoăn ấy không phải là không có nguyên cớ.

Lẽ thứ nhất, theo NĐ 126, NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế khi được yêu cầu. Việc cung cấp thông tin kể trên được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ ngày 5-12 và cập nhật các thông tin về tài khoản hàng tháng. Bên cạnh đó, cũng theo quy định này, các NHTM phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật. Thời gian cung cấp là 10 ngày đầu mỗi tháng. NĐ 126 cũng nêu rõ, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên.

Tuy nhiên, một điều đáng bàn là quy định trên mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng. Theo luật này, không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.

Trên thực tế thì lâu nay, ngân hàng vẫn cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho một số cơ quan như công an, cảnh sát, tòa án nhằm phục vụ việc thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan này yêu cầu. Tuy nhiên, NĐ 126 lại quy định việc cung cấp thông tin đại trà cho cơ quan thuế thì việc người dân, NHTM lo lắng là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, NĐ 216 cũng quy định NHTM có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn với các giao dịch điện tử, phát sinh của người nộp thuế liên quan các kênh thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội mà nhà cung cấp ở nước ngoài. Trong đó, nếu nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng, trung gian thanh toán khấu trừ, nộp thay với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán. Trường hợp cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán phải theo dõi số tiền giao dịch và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế. Các NHTM cho rằng nếu ngân hàng khấu trừ, nộp thay thuế sai đối tượng, sai mức độ hoặc không được sự đồng ý của chủ tài khoản sẽ dẫn đến việc khiếu nại, kiện tụng sau này.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, việc quy định mới trong NĐ 126 nhằm chống thất thu thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng là hoàn toàn đúng nhưng ngành thuế khó có thể thu đúng, thu đủ khi chỉ áp dụng cứng nhắc nghị định này. Không có gì chắc rằng người kinh doanh trực tuyến sẽ không chuyển qua giao dịch và thanh toán bằng tiền mặt theo hình thức giao hàng, thu tiền.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên