Yêu cầu đối với sang chiết, nạp, đóng gói phụ gia thực phẩm
Đây là nội dung tại Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Theo đó, việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói phụ gia thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu sau:
- Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản.
- Phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm và không gây ra nguy cơ đối với sức khỏe con người.
- Nhãn phải thể hiện thêm ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại.
Hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất phụ gia thực phẩm đã được thể hiện trên nhãn gốc của phụ gia thực phẩm trước khi san chia, sang chiết, nạp, đóng gọi lại.
- Tuân thủ các quy định khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm.
Thông tư 24/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 16-10-2019.
Tỷ lệ % tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật là 99%
Ngày 28-8-2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Theo đó, tỷ lệ phần trăm tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật là 99% (quy định hiện hành là 100%).
Tỷ lệ trên được xác định dựa trên nguyên tắc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 1 người phải nhỏ hơn 100% (quy định hiện hành là không vượt quá 100%). Ngoài ra, thông tư cũng quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương xương sọ và hệ thần kinh trong các trường hợp khác, đơn cử như:
- Mẻ hoặc mất bàn ngoài xương sọ: Từ 5% đến 15%;
- Nứt, vỡ xương vòm sọ: Từ 8% đến 25%;
- Nứt, vỡ nền sọ: Từ 16% đến 65%;
- Lún xương sọ: Từ 8% đến 30%;...
Thông tư 22/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-11-2019.
SỞ TƯ PHÁP