Mua bán online - hướng đi cần khuyến khích

Cập nhật: 18-04-2020 | 10:29:08

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ mua bán online, qua điện thoại, thanh toán trực tuyến phát triển mạnh do tâm lý người tiêu dùng hạn chế đến nơi đông người. Các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn cũng nhanh chóng vào cuộc đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Nhân viên siêu thị Co.opmart “đi chợ hộ” cho khách hàng

Nhiều tiện ích

Trong mùa dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng đã và đang thay đổi thói quen mua sắm của mình. Việc thay đổi này đem đến cơ hội cho các kênh mua sắm online, “dịch vụ đi chợ hộ”. Về phía người tiêu dùng, tiện ích đầu tiên là sự an toàn, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thao tác mua sắm dễ dàng, hàng hóa đầy đủ, đa dạng chủng loại, hàng bán đúng giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng tránh được việc mua giá ảo khi lượng mua tăng vọt tại các chợ trong thời điểm dịch bệnh. Nếu đặt mua online, qua điện thoại tại các đơn vị uy tín giá cả đều được niêm yết rõ ràng và nhà cung cấp cũng thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mại, ưu đãi để mang tới những sản phẩm giá tốt cho người tiêu dùng.

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, rất nhanh chóng, các siêu thị trên địa bàn đã vào cuộc để tăng cường việc mua bán online, qua điện thoại với các dịch vụ “đi chợ hộ”. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Long, Giám đốc Co.opmart chi nhánh đường 30-4, cho biết kênh mua sắm qua điện thoại, qua website của doanh nghiệp này đã tăng trưởng nhanh trong thời gian qua với lượng giao dịch trực tuyến tăng gấp nhiều so với ngày thường. Siêu thị cũng đẩy mạnh các kênh truyền thông để khuyến khích người dân mua sắm trực tuyến, qua điện thoại để tránh tụ tập đông người. Các số điện thoại, Zalo, app… mua sắm được siêu thị cung cấp đến từng khách hàng thành viên để thuận tiện cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn.

Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tăng cường nhận đặt hàng, giao hàng qua điện thoại. “Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị qua việc gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua Zalo, tin nhắn… Theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, nhân viên siêu thị sẽ đưa tới nhà”, ông Long cho biết. Doanh nghiệp này cũng luôn quán triệt đến nhân viên trong khâu chọn lựa hàng hóa cho khách hàng bảo đảm đúng, đủ, đem đến cho khách hàng sự hài lòng nhất có thể.

Trên thực tế, kênh mua bán trực tuyến cũng “cứu nguy” cho doanh số của các siêu thị trong mùa dịch bệnh. Để thích ứng hơn xu hướng này, ngoài kênh trực tuyến mới đây hệ thống siêu thị Big C cũng đã nhanh chóng triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại trên số hotline. Đại diện siêu thị này cho biết Big C cung cấp dịch vụ gọi điện đặt hàng với cam kết bảo đảm cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, với giá bình ổn trên toàn quốc, không để tình trạng thiếu thực phẩm xảy ra.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc vùng Đông Nam bộ hệ thống siêu thị Vinmart, trước tình trạng quá tải tại các siêu thị Vinmart trong đợt cao điểm mùa dịch bệnh Covid-19, từ cuối tháng 3, hệ thống siêu thị này đã đầu tư nâng cấp phần mềm tiếp nhận các đơn hàng trực tuyến. Ông Long cho biết để phục vụ khách hàng tiện lợi và nhanh chóng trong mùa dịch, Vinmart ra mắt “đội quân đi chợ hộ” với các cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: qua điện thoại, qua app và qua website.

Bảo đảm các điều kiện cần thiết

Sở Công thương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử để hạn chế người dân đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, trong thời điểm thực hiện chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội, từ đầu tháng 4, Sở Công thương đã yêu cầu các siêu thị đẩy mạnh việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Cùng với đó, ngành công thương cũng khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến, lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng không bảo đảm.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, đề nghị các đơn vị khi bán hàng qua các kênh thương mại điện tử cần thực hiện phun tiêu độc khử trùng thường xuyên đối với địa điểm kinh doanh, các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, chú trọng việc bảo đảm khoảng cách cho nhân viên ship hàng, sát khuẩn hàng hóa trước khi cho nhân viên đi giao để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Về phía các ngân hàng hiện cũng đã hoàn thiện hạ tầng công nghệ để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trực tuyến. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết hệ thống của Vietcombank đã hoàn thiện hạ tầng để đáp ứng cho nhu cầu giao dịch, thanh toán online của khách hàng, hạn chế việc sử dụng tiền mặt, nhất là trong mùa dịch bệnh. “Hiện nay, xét về nền tảng công nghệ và những gì mà công nghệ đem đến trong thời gian qua, có thể thấy khả năng thanh toán trên ứng dụng điện thoại là điều tất yếu diễn ra và sẽ trở thành thói quen lâu dài. Và hơn hết, trong tình hình hiện nay, khi Nhà nước khuyến khích hạn chế dùng tiền mặt để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh thì các giải pháp thanh toán linh hoạt này giúp khách hàng có được trải nghiệm mua sắm an toàn, thuận tiện”, ông Quang cho biết.

Dưới góc nhìn tích cực về định hướng phát triển thương mại, các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 song đây cũng là cú hích tạo đà cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sự “lên ngôi” của mua sắm online, từ đó tạo ra những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy thói quen mua sắm văn minh, hiện đại.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=544
Quay lên trên