Binh lính Mỹ tại Afghanistan. (Ảnh: NYT)
Theo các chuyên gia, dù Mỹ tỏ ra lạc quan về việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban song Washington vẫn sẽ đối mặt với các thách thức an ninh và các mối đe dọa liên quan đến phiến quân tại Afghanistan, từ việc rút binh sỹ Mỹ về nước tới giải giáp các tay súng phiến quân.
Taliban đã kiểm soát Afghanistan kể từ khi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đặt cứ địa tại thành phố Kandahar ở miền Nam, thực hiện vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ ngày 11/9/2001.
Vì thế, bất kỳ một cuộc tấn công mới nào do lực lượng phiến quân tại Afghanistan tiến hành nhằm vào các lợi ích của Mỹ cũng sẽ là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Washington trong việc đạt được thắng lợi cuối cùng khi tham chiến tại quốc gia Tây Nam Á này. Đây là nguy cơ được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thức rất rõ nên ông tuyên bố cần có sự hiện diện mạnh mẽ của tình báo Mỹ tại Afghanistan để ngăn các nỗ lực biến nơi đây thành căn cứ lên kế hoạch cho các vụ tấn công toàn cầu.
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội Mỹ ngày 26/2, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cũng thừa nhận các nguy cơ vẫn tồn tại dù ông ủng hộ một thỏa thuận hòa bình với Taliban.
Theo thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Taliban dự kiến sẽ được ký ngày 29/2 tại Doha (Qatar), Mỹ sẽ rút một phần trong tổng số 12.000-13.000 binh sỹ tại Afghanistan vào cuối mùa Hè này và bước đầu giữ lại khoảng 8.600 binh sỹ. Kế hoạch rút tiếp số binh sỹ này sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở Afganistan, tương tự như cách Mỹ rút quân khỏi Syria hồi năm ngoái nhưng ở quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự cho rằng Mỹ chỉ nên rút quân từ từ, tránh để lực lượng còn lại tại Afghanistan trở thành mục tiêu của Taliban hay các tay súng thánh chiến của Al-Qaeda cũng như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Cựu cố vấn tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu như Mỹ rút đi trước khi Taliban và Chính phủ Afghanistan đạt được một thỏa thuận chính trị. Theo ông Malkasian, sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề chính sách Michele Flournoy cũng cảnh báo nguy cơ Taliban đi ngược lại các cam kết về đảm bảo an ninh.
Bên cạnh những quan ngại trên, một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội. Cựu cố vấn về vấn đề Afghanistan dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài đòi hỏi phải hợp nhất các tay súng Taliban với các lực lượng vũ trang Afghanistan, song điều này không hề đơn giản.
Trong báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập các tay súng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại với bạo lực./.
Theo TTXVN