Năm 2017, kỳ vọng tín dụng tiếp tục đột phá

Cập nhật: 21-02-2017 | 23:21:49

Năm 2016, hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng 29,9%; trong khi đó huy động vốn tăng, lãi suất cho vay tiếp tục hạ, thanh khoản tốt... Đây là cơ sở vững chắc để ngành ngân hàng Bình Dương hoàn thành tốt mục tiêu đề ra trong năm 2017.

 

 Nguồn tín dụng được điều hành nhịp nhàng, huy động vốn tăng và lãi suất cho vay tiếp tục hạ, thanh khoản tốt đã giúp cho tăng trưởng tín dụng năm 2016 của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh vượt mục tiêu đề ra. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

 Tín dụng tăng trưởng mạnh

Theo ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Dương, trong năm qua hoạt động cho vay của các TCTD tiếp tục tăng theo chiều hướng an toàn, ổn định. Cụ thể, cho vay bằng VND tăng mạnh (31,14%); cho vay bằng ngoại tệ tăng 19,33% so với năm 2015 nhưng chỉ chiếm 16,7% trên tổng dư nợ, phù hợp với chủ trương chống vàng hóa và đô la hóa của Chính phủ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Một trong những nguyên nhân đưa tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua là nhờ tỉnh tiếp tục tạo niềm tin thu hút các doanh nghiệp mới đến mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó các TCTD đã tích cực đầu tư tín dụng, bám sát địa bàn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù kinh tế của tỉnh. Điều đáng nói, trong năm qua, mặt bằng lãi suất huy động thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,3 - 0,5%/năm nhưng huy động vốn hệ thống ngân hàng vẫn đạt 143.644 tỷ đồng, tăng 24,3% (kế hoạch năm là tăng 19%) so với cuối năm trước. Kết quả đó đã tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đánh giá chung của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, việc NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, cùng với đó giữ chênh lệch hợp lý giữa lãi suất vay VND và USD đã có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện tỉnh Bình Dương nhận xét, năm 2016, mặc dù vẫn còn rủi ro về tỷ giá song mức lãi suất vay chênh lệch giữa VND và USD đã giúp doanh nghiệp đủ bù đắp chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6 - 9%/năm đối với VND và 2,8 - 6,2%/năm đối với USD có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động huy động vốn ngắn hạn và dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm nổi bật là mặc dù tăng trưởng tín dụng của ngành trong năm qua tăng cao hơn so với năm 2015 nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đi đôi với an toàn; trong khi đó diễn biến hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng luôn nằm trong giới hạn kiểm soát ở mức 959 tỷ đồng, chiếm 0,78% trong tổng dư nợ. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Mặt khác, tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro khác dù được kiểm soát nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ vốn cho các dự án nhà ở xã hội, các dự án phục vụ nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Bình Dương cho biết, hiện nay tình hình đầu ra cho nông sản còn nhiều bấp bênh, giá cả biến động khó lường dẫn đến khách hàng đầu tư, chăn nuôi không đạt hiệu quả cao dẫn đến người dân, doanh nghiệp không mạnh dạn mở rộng đầu tư. Điều này phần nào tác động đến việc mở rộng tín dụng nông thôn của ngân hàng.

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh, cho vay đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn một số vướng mắc về tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm... khiến việc đầu tư tín dụng chưa hiệu quả. Do vậy, các bộ, ngành, NHNN, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, cơ chế thực thi để người dân tiêu thụ được sản phẩm, bảo đảm kế hoạch lợi nhuận ổn định cho nhà băng và cả nhà nông.

Ông Bùi Văn Nu cho biết thêm, năm 2017, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Bình Dương sẽ thực hiện các biện pháp cho vay bằng ngoại tệ chặt chẽ, bảo đảm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn; dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Trong năm nay, ngành phấn đấu tăng trưởng huy động vốn từ 19 - 21%, tăng trưởng tín dụng từ 20 - 22%, nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ...

 Nhấn mạnh vai trò của ngành ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, trong cuộc họp với NHNN Chi nhánh Bình Dương vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hệ thống ngân hàng của Bình Dương đã hoạt động rất hiệu quả. Ngành đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh. Ông cũng đề nghị, thời gian tới ngành ngân hàng phải đi tiên phong trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Đảng bộ tỉnh đã đề ra; cần nhận diện rõ các cơ hội và rủi ro đối với hoạt động cấp tín dụng nhằm đưa hoạt động đầu tư vốn theo hướng tăng trưởng mạnh, an toàn và hiệu quả...

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=580
Quay lên trên