Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm 2019 dự báo sẽ đạt 22 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2018. Cũng theo ông Kiệt, ngành da giày Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được thông qua, giúp ngành xuất khẩu da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ...
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành này cũng rất nhiều. Cụ thể, doanh nghiệp da giày trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu. Mặt khác, quy mô doanh nghiệp hoạt động trong ngành phần lớn là vừa và nhỏ nên chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn chủ yếu là gia công. Cùng với đó, mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của ngành da giày Việt Nam còn kém, năng suất lao động chỉ bằng 60 - 70% so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
TRUNG NGUYÊN