Đó là ý kiến chung của cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, tiểu thương… trên địa bàn tỉnh về cơ hội phát triển của tỉnh trong năm 2020.
Nhân viên Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc vận hành dây chuyền sản xuất Ảnh: DUY CHÍ
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương: Xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2020
Năm 2019, xuất khẩu là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh nhà. Đạt được kết quả này, trước hết là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, bên cạnh đó là sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt các giải pháp tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu... từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do có nghĩa là thị trường xuất khẩu của hàng hóa nước ta ngày càng được mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh do được hưởng ưu đãi thuế quan trong các nước thành viên. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 12 hiệp định đã có hiệu lực. Đây chính là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh tăng trưởng, cùng với những kết quả tỉnh đạt được trong năm 2019 là nền tảng để tạo đà cho ngành xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020.
Tuy nhiên, để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, các cấp, các ngành liên quan cần bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng; tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản, từ đó thâm nhập những thị trường mới, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương: Doanh nghiệp ngành gỗ có nhiều thuận lợi
Năm 2020 có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, vì ngành gỗ trong nước đang có lợi thế cạnh tranh từ việc triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, điển hình như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Riêng thị trường Mỹ, dự báo xuất khẩu đồ gỗ nội thất trong năm 2020 tăng 30%; các thị trường chủ lực khác cũng sẽ tăng khá.
Việt Nam được cho là đang chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị tốt, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ mới đang chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. Điều quan trọng là các doanh nghiệp gỗ trong nước cần tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương: Tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do
Năm 2020, bên cạnh tổng cầu dự báo giảm, khó khăn lớn hơn của ngành dệt may là xu thế kinh doanh ngắn hạn, thăm dò của các đối tác trước những diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế. Với những đơn hàng đặt ngắn hạn, doanh nghiệp khó tối ưu kế hoạch và chi phí dẫn đến hiệu quả sẽ giảm. Cùng với đó là các yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam là nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, tỷ giá ổn định và không còn lợi thế nhân công rẻ so với các nước cạnh tranh.
Với những đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các doanh nghiệp tham gia chính thức chuỗi, được doanh nghiệp đầu chuỗi đánh giá cao… mới có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý do được san sẻ lợi nhuận từ các khâu tỷ lệ cao như thiết kế, phân phối sang cho khu vực sản xuất. Bên cạnh những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đem lại, ngành dệt may xuất khẩu vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như bị kiện chống lẫn tránh thuế, hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam...
Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An): Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có nhiều đơn hàng hơn
Từ đầu năm đến nay, các công ty hoạt động trong ngành da giày trên địa bàn tỉnh tiếp nhận lượng đơn hàng lớn, tăng 10 - 15% so với năm 2018. Với đà này, dự báo trong năm 2020 các doanh nghiệp tiếp tục tiếp nhận nhiều đơn hàng hơn nữa. Công ty TNHH Liên Phát cũng nằm trong dòng chảy của ngành da giày. Từ đầu năm đến nay, tình hình hoạt động sản xuất của công ty ổn định, khối lượng đơn hàng thuận lợi, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng trưởng và có nhiều thuận lợi như hiện nay, kết quả năm 2019 công ty đã vượt chỉ tiêu đề ra trong năm.
Ông Phạm Ngọc Phước, Giám đốc Công ty chế biến gỗ An Khang Furniture (TX.Tân Uyên): Cơ hội lớn cho ngành gỗ đột phá
Năm 2019 là năm khá thành công đối với ngành gỗ của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tôi hy vọng năm 2020, ngành gỗ tiếp tục có những bước phát triển đột phá hơn nữa. Đây là điều hoàn toàn có thể bởi ngành chế biến gỗ trong nước đang ở giai đoạn đỉnh cao.
Tôi nghĩ rằng, cơ hội lớn nhất là thế hệ kế thừa của ngành gỗ đang trong giai đoạn chín muồi; phương thức tiếp cận và bán hàng đã thay đổi và đây là lúc giới trẻ có thể thay đổi cách tiếp cận với khách hàng bằng cách bán hàng theo công nghệ 4.0; nghiên cứu, sử dụng máy móc chế biến gỗ theo công nghệ mới; quản lý doanh nghiệp theo công nghệ mới như ERP chẳng hạn… Tôi kỳ vọng năm 2020 ngành gỗ tăng tốc hơn nữa, sánh ngang với các cường quốc chế biến gỗ trên thế giới.
Ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TX.Thuận An): Mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiếp thị sản phẩm trên thị trường
Ngành cơ khí vẫn được ví như “xương sống” của nền kinh tế, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Thực tế thời gian qua cho thấy, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cởi mở của Đảng và Nhà nước, ngành cơ khí trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng đã sản xuất được một số sản phẩm đạt chất lượng tốt, tương đương với nước ngoài và có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm ngoại nhập. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành cơ điện Bình Dương đã làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy móc, công cụ… đạt chất lượng. Theo tôi, trong năm 2020 các doanh nghiệp trong ngành sẽ đạt mức tăng trưởng 10%.
Để xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử xứng tầm, ngoài việc các doanh nghiệp cơ điện tiếp tục nỗ lực tự vươn lên để cạnh tranh, phát triển, các doanh nghiệp mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ, kết nối, đóng vai trò “bà đỡ” trong việc tiếp thị sản phẩm ngay trên sân nhà.
Đ.HẬU - T.MY - P.LÊ (thực hiện)