Nâng cao chất lượng dân số (DS) là nội dung trọng tâm trong công tác DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của tỉnh cũng như cả nước. Với những kết quả bước đầu mang lại từ những đề án, mô hình nâng cao chất lượng DS, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ hơn để từng bước nâng cao chất lượng DS...
Chăm sóc sức khỏe NCT là một trong những hoạt động mà ngành DS-KHHGĐ đang tập trung thực hiện tại các địa phương
Nâng cao chất lượng DS
Bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Chi cục Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết mục tiêu chung trong công tác DS của tỉnh thời gian qua là chủ động chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang “DS và phát triển” như Nghị quyết Trung ương 6 đã xác định; tập trung vào quy mô, cơ cấu, chất lượng DS và phân bổ dân cư hợp lý để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều đề án, mô hình về DS như: Đề án tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh; mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án hoạt động chăm sóc người cao tuổi (NCT) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2025...
Qua triển khai thực hiện, các mô hình, đề án trên đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh và đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong giai đoạn 2016 - 2019, trên địa bàn tỉnh có hơn 70.000 trẻ sơ sinh được xét nghiệm sàng lọc sơ sinh và 44.165 bà mẹ được khám sàng lọc trước sinh. Uớc thực hiện tới năm 2020, toàn tỉnh có 94.371 trẻ và 66.177 bà mẹ được khám sàng lọc. Về chỉ tiêu khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, giai đoạn 2016 - 2019 và ước thực hiện năm 2020 tỉnh luôn duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường với 103 - 107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (thực hiện vượt mục tiêu chung của chương trình là đến năm 2020 không quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái).
Hiện nay, Bình Dương đang nằm trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số, trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm thực hiện. Bên cạnh hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NCT của Hội NCT tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, để góp phần chăm sóc sức khỏe NCT, năm 2017, Chi cục DS-KHHGĐ tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoạt động chăm sóc NCT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2025. Thực hiện đề án này, công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Kết quả, trong năm 2019, tỷ lệ NCT được chăm sóc đạt 81,2%; ước thực hiện năm 2020 là 94,6% (vượt 40% so với kế hoạch đề ra trong năm 2020).
Tiếp tục các giải pháp
Nâng cao chất lượng DS là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ của cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Để từng bước nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, bác sĩ Hồ Hoàng Vân cho rằng Bình Dương phải tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, tỉnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS; phân bố DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Để thực hiện những nhiệm vụ đó, công tác DS-KHHGĐ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, hiệu quả. Theo bác sĩ Vân, giải pháp đầu tiên đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác DS, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. “Công tác DS, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS phải được coi là một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp”, bác sĩ Vân nói.
Song song với giải pháp trên, ngành DS-KHHGĐ cũng đặt ra một số giải pháp khác cần tập trung thực hiện, đó là: Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương; phát huy tối đa lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác DS; từng bước nâng tổng tỷ suất sinh và duy trì vững chắc mức sinh thay thế; duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động các đề án nâng cao chất lượng DS trên địa bàn.
“Nấc thang đầu tiên đánh giá chất lượng DS chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Vì thế, nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam và trình độ dân trí cũng là hai nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng DS mà tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”, bác sĩ Vân nói.
HỒNG THUẬN