Bài 1: Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay
LTS: Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chất lượng năng lực nguồn nhân lực nói chung, của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) hành chính Nhà nước nói riêng có vai trò quan trọng, mang tính quyết định. Trong thực tiễn cho thấy, địa phương nào có đội ngũ CBCC hành chính đáp ứng yêu cầu về năng lực công tác, nơi đó tình hình chính trị, xã hội ổn định; kinh tế, văn hóa phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trước thực tế này, tác giả Phạm Thành Lê đã có đề tài nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập của tỉnh. Tòa soạn Báo Bình Dương giới thiệu cùng bạn đọc.
Với quan điểm nhìn nhận đúng đắn về vai trò của nguồn nhân lực, là cái gốc của mọi công việc, sự thành bại của công việc, đặc biệt là đội ngũ CBCC hành chính cấp tỉnh trong điều kiện phát triển của tỉnh Bình Dương hiện nay đã nhận được sự quan tâm lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, được thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, coi đây là khâu đột phá, xây dựng chính quyền tỉnh vững mạnh, phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội.
CBCC tại Trung tâm Hành chính công luôn được tỉnh tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: P.V
Quan tâm “nâng chất”
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, đất và người Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục tạo được hình ảnh và ấn tượng sâu sắc trong lòng của bạn bè quốc tế. Đó không chỉ là sự ấn tượng bởi sự phát triển kinh tế năng động, của một môi trường đầu tư thông thoáng mà còn ở tinh thần, thái độ, năng lực phục vụ công vụ của đội ngũ CBCC hành chính trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến tới “Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, với mục tiêu nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân, tiến tới đô thị văn minh giàu đẹp”.
Nhìn từ thực tiễn cho thấy, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công hay thất bại cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng nhiều chương trình để tổ chức triển khai, quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ đến CBCC. Cụ thể, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 20-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực đội ngũ CBCC giai đoạn 2011-2015”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ gồm: Nâng cao năng lực nguồn nhân lực; công tác tạo nguồn cán bộ chủ chốt; xây dựng chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực trình độ cao. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng công tác nâng cao năng lực đội ngũ CBCC, nhất là đội ngũ CBCC trực tiếp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Từ công tác này, CBCC hành chính Nhà nước tại nhiều bộ phận đã được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực quản lý, về thái độ phục vụ cũng như kỹ năng giải quyết công việc một cách nhanh gọn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong thực tế do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, năng lực đội ngũ CBCC hành chính Nhà nước ở tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Trình độ, năng lực công tác của một bộ phận CBCC hành chính còn yếu, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; tính năng động, sáng tạo của một bộ phận CBCC chưa cao; khả năng nhạy bén, nắm bắt tình hình, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế; kỹ năng giải quyết công việc còn thiếu tính chuyên nghiệp... Từ đó, dẫn đến chất lượng thực thi công vụ chưa đạt yêu cầu của chủ thể quản lý. Vì vậy, việc phân tích năng lực đội ngũ CBCC hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế là vấn đề cấp bách và hết sức cần thiết đối với tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn từ thực trạng
Từ số liệu thống kê cho thấy, trình độ đào tạo CBCC hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được nâng cao trong thời gian qua. Kết quả trên là sự quan tâm của tỉnh về đào tạo cán bộ và sự nỗ lực của CBCC để nâng cao trình độ. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm áp dụng một số chính sách phát triển đội ngũ CBCC của tỉnh định hướng đến năm 2020. Từ chính sách ưu đãi nhằm động viên CBCC nâng cao trình độ chuyên môn. Trong 3 năm gần đây, trình độ chuyên viên cao cấp tăng từ 0,31% lên 0,35%, trình độ chuyên viên chính và tương đương chiếm 10,15%, trình độ chuyên viên chiếm 69,92%...
Năng lực của đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh là tổng hợp những điều kiện cần và đủ của các yếu tố tri thức, kỹ năng nghiệp vụ, văn hóa công vụ, thái độ tích cực và hành vi hợp chuẩn cùng với các phẩm chất cần thiết để thực thi công vụ trên cương vị chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm đạt hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. |
Số CBCC có trình độ lý luận chính trị trung cấp là 456/2.896 người chiếm 16 %; số CBCC hành chính có trình độ lý luận chính trị cử nhân - cao cấp là 650/2.896 người chiếm tỷ lệ 22,44% (số liệu đến 30-6-2017). Về trình độ kiến thức quản lý nhà nước theo số liệu tính đến ngày 30-5-2017, tổng số CBCC hành chính cấp tỉnh được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước là: 465/2.896 người chiếm 16,6%. Theo số liệu cho thấy trình độ ngoại ngữ, tin học của CBCC hành chính cấp tỉnh chủ yếu là chứng chỉ, những người đạt trình độ đại học tập trung chủ yếu ở các sở có yêu cầu chuyên ngành như: Sở Thông tin và Truyền thông (có yêu cầu về trình độ tin học), Sở Ngoại vụ (có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ), còn lại ở một số sở, ban, ngành, CBCC hành chính có trình độ đại học, trình độ ngoại ngữ rất ít như: Sở Tư pháp có từ 2 đến 3 người vì có chức năng thực hiện kết hôn có yếu tố nước ngoài; Sở Kế hoạch và Đầu tư có chức năng quản lý hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Nhận định
Nhìn từ thực tiễn nghiên cứu cho thấy, ưu điểm trình độ năng lực của CBCC hành chính cấp tỉnh có năng lực trình độ chuyên môn tốt. CBCC luôn nêu cao ý thức, tinh thần cầu thị, dành thời gian hợp lý học tập để nâng cao mặt bằng kiến thức đáp ứng yêu cầu công việc. Đây là kết quả của sự đồng tâm, hiệp lực, nhất trí cao của toàn Đảng bộ tỉnh trong thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chính sách khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ CBCC được thực hiện từ năm 2008. Những viên chức khi bổ nhiệm vào ngạch chức vụ công chức hành chính đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm mới. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện tuyển dụng mới số công chức hành chính trẻ được đào tạo cơ bản và có trình độ đạt chuẩn theo chủ trương thu hút nhân tài, bảo đảm việc tuyển dụng đạt chất lượng và số lượng, coi trọng tính công khai, khách quan, đúng quy chế.
Về năng lực đảm nhận công việc, giải quyết, xử lý tình huống. Nhìn chung, việc đánh giá, phân loại CBCC hành chính cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ bản thể hiện được năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức hành chính. Qua những phân tích cho thấy trình độ lý luận ở mức tương đối với tỷ lệ gần 40% CBCC hành chính tỉnh Bình Dương có trình độ lý luận từ trung cấp trở lên. Đây là cơ sở quan trọng quyết định năng lực thực thi các nhiệm vụ chính trị đặt ra với đội ngũ CBCC hành chính (còn tiếp).
Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 19 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 1.636 học viên, trong đó có 60 CBCC chuyên trách cải cách hành chính của cấp tỉnh và huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ cải cách hành chính và hơn 600 lượt cán bộ, công chức một cửa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng kỹ năng hành chính, chuyên môn nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, văn hóa công sở… Qua các lớp tập huấn này, cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, tạo sự tương tác qua lại giữa người làm thủ tục hành chính và người thực hiện thủ tục hành chính.
PHẠM THÀNH LÊ