Nâng cao công tác giải phóng mặt bằng ở Bình Dương: Thực trạng và giải pháp

Cập nhật: 21-07-2016 | 08:20:04

 Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng đất đai cho mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống nhân dân ở Bình Dương ngày càng tăng. Vì vậy, công tác thu hồi đất bảo đảm cho tiến trình phát triển là một yêu cầu cấp thiết. Thế nhưng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm mà Bình Dương đang đi tìm giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác này.

 Vẫn còn đó những khó khăn

Phải nói rằng, những năm gần đây, công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Bình Dương dần đi vào nề nếp, nhất là sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, những chính sách, quy định mới đã được Bình Dương từng bước cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế, mang lại nhiều cơ chế thông thoáng trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, một số dự án thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn diễn ra chậm, kéo dài, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được khai thông sẽ giúp giảm nhiều chi phí vận chuyển và thời gian đáng kể cho doanh nghiệp

Chẳng hạn như Dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM). Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích quy hoạch của dự án là 643,7 ha thuộc hai địa bàn phường Linh Trung và phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh có121,7 ha và phường Bình Thắng, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương có522 ha. Diện tích đã bồi thường đường vành đai và diện tích không phải bồi thường là 156,69 ha; diện tích phải kiểm kê bồi thường trong dự án là 374,16 ha; trong đó diện tích đã kiểm kê, bồi thường cho 18/18 doanh nghiệp với số tiền 236,111 tỷ đồng, diện tích thu hồi 200/202,93 ha. Còn trên địa bàn phường Đông Hòa có 784 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích khoảng 144,175 ha.

Công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Dự án xây dựng ĐHQG TP.HCM được thực hiện tích cực. Sau nhiều lần kiểm kê, thu hồi mặt bằng và bồi thường, con số thống kê cho biết, đến nay, Bình Dương đã phê duyệt kinh phí chi trả được 124 đợt cho 738 hộ với diện tích 140,175 ha, số tiền 521,69 tỷ đồng (riêng phường Đông Hòa đăng ký nhận tiền thay đất tái định cư là 173 hộ tương ứng 16 suất 100m2, 304 suất 150m2 với số tiền là 91,659 tỷ đồng nhưng có 15 hộ chưa nhận tiền với số tiền là 6,5 tỷ đồng). Số còn lại 547 hộ chưa bàn giao mặt bằng, diện tích 90,09 ha.

Không chỉ Dự án xây dựng ĐHQG TP.HCM, Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường cũng thế. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhận chuyển giao dự án từ Công ty Thanh Lễ còn 95 hộ dân với diện tích 15,8 ha. Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường cho 70 hộ/14,9 ha với số tiền 114,1 tỷ đồng, trong đó có 40/70 hộ đã nhận tiền bồi thường tương ứng 8,6 ha với số tiền 66,97 tỷ đồng, còn lại 13/39 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do chờ nhận tái định cư; 30/70 hộ không đồng ý nhận tiền với yêu cầu bồi thường theo giá thị trường. Các hộ dân còn lại chưa phê duyệt phương án bồi thường do không đồng ý đơn giá đã được phê duyệt nên không hợp tác kiểm kê.

Ngoài ra, một số Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn; dự án Xây dựng mới cầu Đồng Nai và đường dẫn lên cầu… cũng gặp khó khăn trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng nên đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ phụ trách Phòng Kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết nguyên nhân là do việc xây dựng các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với đặc thù của dự án và tình hình thực tế nơi có đất thu hồi dẫn đến phát sinh khiếu nại và phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án không có quỹ đất để bố trí tái định cư; số lượng suất tái định cư không đủ; hầu hết các khu tái định cư được xây dựng ở các vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ, thiếu các công trình công cộng và các điều kiện khác nên không hấp dẫn được người dân bị giải tỏa, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân sau tái định cư được ổn định cuộc sống.

Đã vậy, đơn giá bồi thường về đất của một số dự án thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993 và 2003 còn thấp nên chưa nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, đơn giá bồi thường được thực hiện theo giá đất cụ thể, phổ biến trên thị trường do đó đa số người dân đồng tình, tuy nhiên, công tác xác định giá đất cụ thể hiện nay còn kéo dài, do trình tự thủ tục thực hiện còn phức tạp qua nhiều khâu, nhiều bước, năng lực thực hiện của một số đơn vị tư vấn còn hạn chế…

Đi tìm giải pháp

Để nâng cao công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể. Theo cán bộ Phòng Kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai thì giải pháp trước tiên cần xây dựng khung chính sách chung đối với các khoản hỗ trợ chưa được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tạo cơ chế thông thoáng, vận dụng linh hoạt các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm lợi ích thiết thực của người dân nơi có đất bị thu hồi.

Song song đó, bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để thực hiện dự án; xây dựng đơn giá bồi thường về đất kịp thời và phù hợp thực tế, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện; điều chỉnh quy trình xác định giá đất cụ thể, hạn chế qua nhiều bước, nhiều khâu và họp nhiều lần. Tăng cường phối hợp giữa tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời cần xây dựng phương án tái định cư kịp thời cho mỗi dự án quyết định thu hồi đất; khuyến khích các địa phương chủ động tạo quỹ đất, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, các công trình công cộng… để bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất tránh trường hợp người bị thu hồi đất đã bàn giao mặt bằng nhưng không có quỹ đất để bố trí tái định cư, tạo điều kiện cho người dân sau giải tỏa có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước.

P.V 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1009
Quay lên trên