Được mệnh danh “địa ngục trần gian” bởi biết bao người con ưu tú của cách mạng bị giam cầm đã ngã xuống cho độc lập tự do, nhà tù Phú Lợi đã trở thành dấu ấn không thể nào quên cho thế hệ trẻ hôm nay để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc. Hôm nay, chúng tôi gặp lại những nhân chứng xưa để hiểu hơn giá trị của hai chữ tự do. Với các chú, nơi đây đã trở thành quá khứ hào hùng, vui vẻ cùng cháu con viết tiếp ước mơ…
Chú Bùi Văn Sữu (đứng giữa), chú Đào Văn Tiên (bìa phải) ôn lại truyền thống cùng thế hệ trẻ tại nhà tù Phú Lợi nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 Ảnh: S.ANH
Quá khứ hào hùng…
Con đường dẫn vào di tích nhà tù Phú Lợi hôm nay đã rợp bóng cây xanh bằng cái tên gợi lại cho bao người con ưu tú xưa những ký ức không thể nào quên, 1-12. Đó là ngày tù nhân Phú Lợi nêu cao tinh thần đoàn kết - bất khuất chống Mỹ, cứu nước trong lịch sử cách mạng tỉnh Sông Bé.
Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam. Với mưu đồ xâm lược miền Nam, bằng thủ đoạn mị dân, khủng bố đến chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” chỉ trong vòng 2, 3 năm sau Hiệp định Giơnevơ gây không biết bao tội ác trên cả miền Nam. Bằng khẩu hiệu “Thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, chúng đã xây dựng thêm nhiều nhà tù. Đến cuối năm 1958, số tù nhân nơi đây đã lên đến con số gần 6.000 người, trong đó có đến 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây. Chú Đào Văn Tiên, cựu tù nhân chính trị nhà tù Phú Lợi chia sẻ: “Nơi đây, bọn chúng đã đặt ra 14 điều kỷ luật hà khắc để cai quản, đàn áp ý chí và tinh thần của ta. Tuy nhiên, các hình thức mị dân của chúng làm cho tất cả các tù nhân nơi đây càng nêu cao tinh thần, ý chí và chiến đấu một cách ngoan cường, giành độc lập tự do đến hơi thở cuối cùng…”.
Khó có thể nói hết được sự hà khắc của chế độ nhà tù ở đây, thế nhưng dù hà khắc cỡ nào ý chí và lòng kiên cường đã chiến thắng bọn chúng mà đỉnh điểm là vụ đầu độc đã xảy ra năm 1958. Ngày 1-12- 1958, ta làm chủ trong các trại giam. Ngày lịch sử đó đã làm bùng nổ công luận trong nước và thế giới. Ông Xun-đác-lan, nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Ấn Độ đã long trọng nêu rõ: “Dư luận và nhân dân Ấn Độ lấy làm khủng khiếp trước tội ác vô nhân đạo này. Chỉ có cấp bách hành động và lập tức mở cuộc điều tra tại chỗ về vụ này mới có thể ngăn được những tội ác tương tự như thế xảy ra…”. Còn trong nước sự căm phẫn ấy được nhà thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Thù muôn kiếp không tan”, năm 1959: “…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai. Nào ai ngờ không có nửa ngày mai! Chúng tôi chết trong đêm dài tàn khốc. Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc. Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn. Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”.
Viết tiếp ước mơ…
Trở lại di tích nhà tù Phú Lợi vào những ngày tháng 7 này, đi trên con đường ghi dấu sự đấu tranh kiên cường của các anh, chúng tôi hẳn rất tự hào. Và tự hào hơn khi chúng tôi có dịp trực tiếp nghe các chú kể lại bao dấu ấn xưa để viết tiếp ước mơ của thế hệ trẻ cùng gìn giữ quê hương. Chú Bùi Văn Sữu, cựu tù nhà tù Phú Lợi xúc động nói: “Ngày thảm sát, hàng ngàn tù nhân đã bị đầu độc, họ đã đứng lên đấu tranh, kêu gọi sự ứng cứu từ bên ngoài để nói lên tội ác của chế độ nhà tù Mỹ - Diệm. Ngày ấy, chính tôi cùng hàng trăm người đã biểu tình tại đây để kịp thời lên án sự tàn ác của Mỹ - Diệm. Và 2 năm sau đó, trong một lần biểu tình, rải truyền đơn tôi lại bị bắt vào đây mới hiểu hết được tội ác tày trời mà những người dân yêu nước của ta phải chịu đựng…”.
Từ Khám đường Bình Dương, nhà tù Phú Lợi, Chí Hòa… đã hun đúc ý chí, lòng kiên cường của người cộng sản Việt Nam. Bao đòn roi, tra trấn như tiếp thêm sự gan dạ, kiên cường để chú Bùi Văn Sữu đứng lên một cách mạnh mẽ. Có lẽ đó cũng chính là lý do vì sao mà ở cái tuổi ngoài 80, chú vẫn đọc thuộc làu bài thơ “Hận Côn Sơn” của Nguyễn Trãi cho chúng tôi nghe. Hơn thế nữa, chính ông cùng người bạn tù Bùi Minh Trực sáng tác nên bài ca cổ “Hận Phú Lợi” đầy hào hùng như nhắc nhở thế hệ trẻ hãy sống hết mình bằng những gì đang có để giữ vững độc lập, tự do.
Cảm xúc của chúng tôi càng dâng lên khi 2 người bạn tù năm nào Bùi Văn Sữu và Đào Văn Tiên được gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa. Trong câu chuyện của các chú, không có bất cứ một lời oán thán nào từ quá khứ. Mà ở đó, là những nụ cười, chuyện trò cùng thế hệ trẻ để con cháu sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với chính mình. Chú Đào Văn Tiên nói: “Có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất, bởi vào tù, ra khám bao lần, đặc biệt là 3 lần bị đày ra Côn Đảo nhưng tôi vẫn còn may mắn trở về. Tôi đã sống thay cho bao đồng chí vì thế phương châm sống của tôi và cũng là lời khuyên với thế hệ trẻ là sống không ghét, không hờn, không giận và phải sống hết mình với gia đình, quê hương…”.
Bạn Phạm Thanh Thúy Thị Mỹ Trinh, sinh viên khoa Luật trường Đại học Thủ Dầu Một nói: “Hôm nay là ngày may mắn của tụi em, được nghe chính những người trong cuộc kể chuyện quả là hạnh phúc. Bao câu chuyện kể từ các chú sẽ là hành trang cho chính mình trong những ngày sắp tới. Câu nói sống không ghét, không hờn, không giận của chú Tiên sẽ là phương châm sống của em để thêm trách nhiệm hơn với quê hương mình…”.
Đó là suy nghĩ của hầu hết các bạn có được cái duyên tiếp xúc, gặp gỡ những nhân chứng ngay tại nhà tù Phú Lợi vào những ngày tháng 7 này. Tất cả cùng nhìn lại quá khứ hào hùng của cha ông để viết tiếp ước mơ, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
SONG ANH