Trong năm qua, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn, Ban ATGT từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm bảo đảm TTATGT. Trong đó, các lực lượng chức năng như Công an, Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) đã xây dựng kế hoạch mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát (TTKS) và thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện theo từng ngành.
Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an các huyện, thị, thành phố tăng cường TTKS, phối hợp với lực lượng quân sự, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động tuần tra vũ trang, kiểm soát, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, quán triệt cán bộ chiến sĩ thực hiện đúng quy trình TTKS và đề cao cảnh giác, không để xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn huy động lực lượng cảnh sát khác cùng lực lượng CSGT đẩy mạnh TTKS tại các địa bàn...
Lực lượng CSGT xử lý một vụ TNGT do xe đầu kéo gây ra trên đại lộ Bình Dương (ảnh chụp lúc 9 giờ 30 phút ngày 12-1-2018) Ảnh: B.MINH
Qua công tác TTKS, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện trên 98.300 trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT, xử phạt 82.459 trường hợp với tổng số tiền 96,2 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng CSGT Công an tỉnh phát hiện 91.963 trường hợp vi phạm (gồm vi phạm trật tự đô thị, TTATGT đường thủy và TTATGT đường bộ), xử phạt 76.180 trường hợp với số tiền 73,46 tỷđồng. Thanh tra GTVT phát hiện 4.356 hành vi vi phạm, lập 4.229 biên bản vi phạm TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa, ra 4.157 quyết định xử phạt với tổng số tiền 13,80 tỷđồng.
Riêng lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT và công an các địa phương đã phối hợp lực lượng chức năng khác tuần tra, kiểm tra lập 2.005 biên bản vi phạm vượt quá tải trọng cho phép, quá chiều cao, chiều dài; 45 biên bản vi phạm tự ý cải tạo hình dáng, kích thước thành thùng xe và đã xử lý phạt 8,94 tỷđồng, tước 206 giấy phép lái xe.
Theo nhìn nhận của các thành viên Ban ATGT tỉnh, năm vừa qua các hành vi vi phạm về TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều, trong đó có những lỗi có khả năng gây TNGT cao như 2.138 trường hợp vi phạm tốc độ; 11.692 trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường; 377 trường hợp dừng, đỗ xe trái quy định; 9.112 trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông; 11.883 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Một số vị trí, giao lộ bị ngập, thoát nước chậm sau mỗi cơn mưa chậm được khắc phục, ảnh hưởng đến ATGT chung.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện có biểu hiện tái diễn phức tạp. Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến đường bộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường dân sinh và các tuyến đường gần khu vực hầm mỏ vật liệu, bến bãi... Tình trạng xe quá tải thay đổi giờ lưu thông vào ban đêm gây khó khăn cho việc kiểm tra xử lý. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thuê người nắm tình hình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Tình trạng ùn tắc giao thông tại một số giao lộ, đoạn đường, nhất là khu vực phía nam của tỉnh chưa được khắc phục hiệu quả.
Trước tình hình trên, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh, cho biết năm 2018, để phấn đấu đạt được mục tiêu giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2017, công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường sẽ được thực hiện ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2018. Đặc biệt Sở GTVT sẽ tập trung thực hiện các kế hoạch về công tác bảo đảm TTATGT và phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020; kế hoạch về tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2016-2020; kế hoạch về triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa sẽ được tăng cường. Việc tuyên truyền phải lan tỏa sâu, rộng tới mọi đối tượng nhất là thanh thiếu niên, công nhân, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, Ban ATGT tỉnh sẽ kêu gọi phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”, trong đó chú trọng vào giới trẻ, thanh thiếu niên... Công tác thanh tra, TTKS và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả hơn, tập trung vào các hành vi vi phạm uy hiếp trực tiếp đến ATGT. Những vi phạm về điều kiện ATGT trong kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm ATGT của kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm ATGT trong quá trình thi công trên đường đang khai thác... cũng sẽ chú ý được kiện toàn đồng bộ.
BÌNH MINH