Xúc tiến thương mại (XTTM) là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song hiện nay, số DN trong tỉnh tham gia chương trình XTTM còn khiêm tốn.
Ngành công thương Bình Dương đang nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác XTTM. Trong ảnh: Sản phẩm trái cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên đang được nhiều khách hàng quan tâm. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
DN tham gia chương trình XTTM chưa nhiều
Trong những năm qua, ngành công thương đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua các chương trình này đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản phẩm do DN trong tỉnh sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp xúc với các đối tác, kêu gọi sự hợp tác, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Riêng trong năm 2016, Trung tâm XTTM tỉnh đã hỗ trợ cho 4 đơn vị đăng ký tổ chức hội chợ triển lãm với 800 gian hàng tại các địa phương; phối hợp với các ngành tổ chức 12 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và đưa hàng Việt đến các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh; hỗ trợ các DN tham gia 14 chương trình hội chợ triển lãm trong nước, 4 chương trình, hội thảo XTTM và triển lãm nước ngoài... Bên cạnh đó, trong các chương trình hỗ trợ hàng năm, Sở Công thương đã tổ chức chương trình tư vấn, tập huấn cho các hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao nghiệp vụ kỹ năng XTTM, kỹ năng xâm nhập thị trường… nhằm giúp nhà sản xuất tìm kiếm đầu ra hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài...
Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh, các doanh nghiệp nên chủ động liên hệ với Trung tâm XTTM của tỉnh để nắm bắt được các chương trình XTTM của tỉnh. Các DN cũng có thể phản ánh nhu cầu đến hiệp hội, ngành hàng của mình để ngành công thương nắm bắt nhu cầu của DN, từ đó có những chương trình hỗ trợ XTTM phù hợp giúp các DN thụ hưởng quyền lợi từ nguồn XTTM của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Tại buổi làm việc bàn giải pháp đẩy mạnh công tác XTTM, tìm đầu ra cho nông sản của huyện Bắc Tân Uyên mới đây, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng điều mà các ngành chức năng lo lắng là giá cả các mặt hàng nông sản rất dễ diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho nông dân, vì hầu hết sản lượng nông dân làm ra chỉ bán qua thương lái và không ký hợp đồng lâu dài, không biết thị trường tiêu thụ thật sự ở đâu. Thực tế, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên chỉ mới thành lập được 3 hợp tác xã cây ăn trái, trong đó mới chỉ có 1 hợp tác xã sản xuất và thu gom mặt hàng bưởi để cung cấp cho các siêu thị. Hiện giá các loại cây có múi tương đối ổn định, chưa xảy ra hiện tượng ép giá. Hàng năm, sản lượng bưởi các hộ trồng ở đây bán lẻ hoặc bán cho thương lái chiếm đến 92%, còn bán cho siêu thị chỉ chiếm 8%. Có thể thấy, khâu tìm kiếm và ký kết đầu ra ổn định, lâu dài cho trái cây có múi trong tỉnh hiện chưa được quan tâm đúng mức, rất dễ dẫn đến tình trạng thừa sản lượng, nông dân bị ép giá hoặc không tiêu thụ được.
Tăng cường công tác XTTM
Theo lãnh đạo Sở Công thương, hiện đơn vị đang tích cực đẩy mạnh các chương trình XTTM nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân, nhà sản xuất trước các nguy cơ diễn biến xấu của thị trường (như rớt giá, khủng hoảng thừa sản phẩm, bị ép giá), từ đó giúp nông dân lựa chọn kênh tiêu thụ tin cậy và ổn định (như siêu thị, các chợ đầu mối, nhà máy chế biến...) nhằm có được thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài.
Lãnh đạo Sở Công thương cũng cho biết, tới đây đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động XTTM, tạo sự chủ động và tích cực trong việc tham gia XTTM của các DN, hợp tác xã, trang trại... trên địa bàn tỉnh. Sở cũng xúc tiến việc ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Công thương (Trung tâm XTTM) với UBND các huyện, thị xã, thành phố (Phòng Kinh tế) trong tỉnh nhằm tăng cường hỗ trợ công tác XTTM và có chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn.
Về phía DN, cần đẩy mạnh các hoạt động XTTM cả trong và ngoài nước; nắm bắt thời cơ, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Các DN cũng phải chủ động tìm hiểu các chương trình XTTM của tỉnh, đề xuất nhu cầu thật sự của mình đến ngành chức năng để thụ hưởng chính sách của tỉnh nhằm ổn định sản xuất, phát triển bền vững.
TIỂU MY