Có mặt ở TP.Thuận An những ngày này, chúng tôi đã ghi nhận được sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Để hạn chế dịch bệnh xâm nhập, tránh lây lan trong cộng đồng, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
BCĐ tỉnh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Thuận An
Chủ động ngay từ đầu
Là địa bàn đông dân cư, trong đó có nhiều người lao động ngoài tỉnh, người nước ngoài sinh sống, làm việc, ngay từ đầu mùa dịch, TP.Thuận An đã xác định việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phải luôn được đặt lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, của tỉnh, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tất cả hệ thống chính trị trên địa bàn cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh này. Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố nhanh chóng được thành lập với đầy đủ thành viên là các ban ngành, đoàn thể, địa phương do đồng chí Chủ tịch UBND làm trưởng ban. Ngay sau khi BCĐ tỉnh ban hành kế hoạch đáp ứng, BCĐ thành phố đã họp triển khai; đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch đáp ứng của thành phố.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó trưởng BCĐ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết với tinh thần chủ động, quyết liệt, có trách nhiệm, các thành viên BCĐ thành phố đã rất tích cực phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình, nắm bắt thông tin những người đến từ vùng dịch cũng được chú trọng thực hiện; đồng thời tiến hành kiểm tra công tác triển khai phòng chống dịch bệnh ở các xã, phường, các trường học, doanh nghiệp trên địa bàn.
“Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố vẫn xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời điểm này là tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hy vọng với sự chỉ đạo sâu sát và sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh trên địa bàn sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt...”. (Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An) |
Trung tâm y tế (TTYT) với vai trò là thường trực BCĐ thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế. Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc TTYT, cho biết ngành y tế đã tham mưu BCĐ tổ chức các biện pháp chuyên môn nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; xây dựng kế hoạch bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thuốc men, vật tư y tế, trang thiết bị và kinh phí phòng, chống dịch để đáp ứng kịp thời khi xảy ra dịch bệnh.
Tại các xã, phường, BCĐ cũng được thành lập. Trên cơ sở kế hoạch của thành phố, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống phù hợp với tình hình thực tế và triển khai thực hiện tại địa phương. Mỗi xã, phường đều có cán bộ chuyên trách về công tác phòng, chống dịch, được phân công cụ thể và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ UBND, BCĐ thành phố, mà trực tiếp là từ TTYT. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn thực hiện tham mưu cho UBND xã, phường triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của địa phương; kiểm tra và bảo đảm 100% các trường học, nhóm, lớp giữ trẻ trên địa bàn đều thực hiện tổng vệ sinh; thường xuyên nắm tình hình người nước ngoài đến cư trú và làm việc tại địa phương để kịp thời báo cáo BCĐ thành phố khi có trường hợp nghi ngờ.
Nâng cao trách nhiệm
Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có khả năng lan rộng và nguy cơ xâm nhập vào Bình Dương nói chung, TP.Thuận An nói riêng là rất lớn. Để chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu UBND thành phố, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố và các chi, Đảng bộ trực thuộc tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hiền, cho biết: “Ngay từ đầu, Thành ủy đã chỉ đạo, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; khẩn trương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch xảy ra và lây lan trên địa bàn, bảo đảm kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời ổn định đời sống nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Tinh thần thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ và nhân lực tại chỗ...”.
Để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, đối với từng địa bàn, khu vực đông dân cư khác nhau được xây dựng, sẵn sàng đáp ứng. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được thực hiện triệt để theo hướng dẫn của ngành y tế. Cùng với ngành y tế, các cơ quan ban ngành, đoàn thể cùng chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc phòng bệnh.
Với nhiều hình thức khác nhau, các ngành, địa phương trên địa bàn TP.Thuận An đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân. TTYT đã cung cấp thông tin và nội dung tuyên truyền cho Đài Truyền thanh thành phố, các ban ngành, đoàn thể, địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền. Đài Truyền thanh thành phố đã xây dựng thêm các chuyên mục tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để chuyển tải thông tin, giúp người dân hiểu được tính nguy hiểm của dịch bệnh và biết cách phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; chỉ đạo hệ thống Đài Truyền thanh xã, phường tăng cường thời lượng phát sóng và chọn thời điểm thích hợp để mọi người dân có thể theo dõi kịp thời về tình hình dịch bệnh và nắm bắt được các kiến thức cơ bản để phòng ngừa dịch bệnh. Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với TTYT thực hiện tuyên truyền trên trang thông tin điện tử thành phố, bảng thông tin tuyên truyền điện tử. Các xã, phường tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau, như qua hệ thống truyền thanh, treo băng rôn, cấp phát 54.250 khẩu trang miễn phí cho người dân, phát 21.250 tờ rơi, tuyên truyền hơn 80 cuộc trong đoàn viên, hội viên với hơn 4.900 lượt người tham dự, tuyên truyền trên màn hình và tại bộ phận một cửa của địa phương...
TP.Thuận An là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, người lao động ngoài tỉnh đến địa phương làm việc, sinh sống đông. Theo bà Hiền, trên địa bàn thành phố hiện có 2.152 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 634 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài hiện tạm trú trên địa bàn là 2.198 người, trong đó có 251 người Trung Quốc và 1.185 người Đài Loan, còn lại là người của các nước khác. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020, có 228 người nước ngoài ở lại Việt Nam ăn tết. Nhận định, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những người nước ngoài về quê sẽ trở lại làm việc, trong khi đó tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới có diễn biến phức tạp nên nguy cơ xâm nhập bệnh vào địa bàn rất cao. Nhiều công nhân lao động, học sinh, sinh viên ở các địa phương khác cũng trở lại làm việc, học tập trên địa bàn. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, BCĐ thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan có biện pháp kiểm soát, nắm chắc tình tình hình sức khỏe các chuyên gia, lao động nước ngoài đến địa bàn làm việc, du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là những người đến từ các vùng có dịch. Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị để tập trung phòng, chống dịch bệnh...
Nhờ chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực, tính đến ngày 17-2, trên địa bàn TP.Thuận An chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan giám sát, theo dõi, cách ly tại cộng đồng 240 trường hợp (trong đó có 207 người Trung Quốc), cách ly tại TTYT 7 trường hợp, có 3 trường hợp nghi nhiễm đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và có kết quả âm tính. Số người đã qua theo dõi 14 ngày theo quy định là 137 trường hợp...
HỒNG THUẬN