Ngăn chặn “tín dụng đen” cuối năm

Cập nhật: 23-01-2024 | 09:43:22

Do nhu cầu vay vốn tiêu dùng vào dịp giáp tết tăng nên hoạt động “tín dụng đen” thường diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn biến tướng nhằm “giăng bẫy” người vay. Trước tình hình trên, các ngành chức năng vừa tăng cường đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” vừa kết hợp tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời cho những nhóm đối tượng gặp khó khăn về tài chính, nhất là công nhân lao động.


Nhân viên của Tổ chức Tài chính vi mô CEP - chi nhánh Thủ Dầu Một đến tận công ty tư vấn và làm thủ tục vay cho công nhân. Ảnh: Q.ANH

Chủ động phòng ngừa

Theo ghi nhận của P.V, vào những ngày giáp tết, các tờ rơi quảng cáo “cho vay trả góp”, “mượn tiền xài tết”, “hỗ trợ vay vốn”… xuất hiện nhiều trên trụ điện, bức tường nhà dân.

Cụ thể tại TP.Dĩ An, trụ điện, tường nhà dân trên các tuyến đường ĐT743B, Nguyễn Tri Phương, Lý Thường Kiệt… bị dán chi chít các quảng cáo trên. Tình trạng quảng cáo, rao vặt “tín dụng đen” cũng xuất hiện dày đặc trên địa bàn TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát…

Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nổi lên một số thủ đoạn đáng chú ý, như: Đối tượng tăng cường dán quảng cáo, phát tờ rơi, chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng là tiểu thương, công nhân, con bạc nhỏ lẻ.

Khi cho vay, đối tượng không yêu cầu khách hàng đưa giấy tờ tùy thân hay viết giấy nợ, mà chỉ đề nghị cung cấp địa chỉ nơi ở, hình ảnh nhạy cảm cá nhân, số điện thoại của người thân để phục vụ cho việc thu hồi nợ.

Ngoài hình thức trên, đối tượng cho vay quy mô lớn thông qua quan hệ quen biết hoặc trá hình dưới vỏ bọc doanh nghiệp, cơ sở cầm đồ hoặc cấu kết với nhân viên ngân hàng hoạt động dưới các thủ đoạn tinh vi như cho vay “đáo hạn ngân hàng”, “vay vốn làm ăn” bằng hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán bất động sản. Khi người vay mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Đáng chú ý là hiện nay tội phạm “tín dụng đen” còn kết hợp phương thức truyền thống với công nghệ cao nhằm tiếp cận nhiều “con mồi” và tăng khả năng thu hồi nợ để kiếm lợi bất chính.


Quảng cáo, rao vặt “tín dụng đen” dán chi chít trên tường nhà dân ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An)

Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận 25 vụ việc có liên quan “tín dụng đen”, trong đó đã bắt, khởi tố 13 vụ, 25 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tăng 3 vụ so với năm 2022). Trong đó đáng chú ý triệt xóa 1 chuyên án bắt 18 đối tượng hoạt động về “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn yêu cầu 103 cơ sở cầm đồ cam kết không hoạt động “tín dụng đen”; mời làm việc, răn đe 118 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuyên truyền kết hợp hỗ trợ cho đối tượng khó khăn

Theo Thượng tá Trần Minh Nhựt, khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm tới các tổ chức tài chính có uy tín và tìm hiểu rõ các khoản phí dịch vụ, cũng như lãi suất vay. Người dân tuyệt đối không vay mượn tiền của cá nhân, tổ chức khi chưa nắm rõ được thông tin về khoản vay; không vay qua các ứng dụng trên các trang mạng khi chưa kiểm tra được uy tín của các trang này để tránh “sập bẫy”.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Tân Uyên, cho biết đơn vị đang tăng cường nắm tình hình từ công đoàn cơ sở, tổ chức các buổi tuyên truyền về hệ lụy của “tín dụng đen” để cán bộ công đoàn tuyên truyền đến công nhân của mình.

Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở đã thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với công an địa phương để được hỗ trợ kịp thời khi công nhân lỡ dính vào “tín dụng đen” và bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố”. Thời gian qua, nhờ lực lượng công an bắt nhiều nhóm cho vay “tín dụng đen” nên “đường dây” không còn rầm rộ, các đối tượng đòi nợ không còn lộng hành như trước.

Hiện nay, nhiều công đoàn cơ sở đã thành lập quỹ tương trợ nhằm kịp thời hỗ trợ công đoàn viên, người lao động gặp khó khăn về tài chính, hạn chế tìm đến “tín dụng đen”. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP. Dĩ An), cho biết công đoàn đã xin ý kiến Ban Giám đốc công ty thành lập “quỹ tương trợ” để hỗ trợ cho vay đột xuất những người cần tiền gấp.

Theo đó, để quỹ hoạt động, công đoàn sẽ phổ biến đến đoàn viên tham gia quỹ và góp từ 20.000 đồng hoặc nhiều hơn tùy vào khả năng tài chính. Sau khi góp liên tục 3 tháng sẽ được vay tiền từ quỹ tương trợ để giải quyết các khó khăn về tài chính, số tiền được vay từ 5 - 20 triệu đồng. Có 2 hình thức vay từ quỹ này, mỗi tháng định kỳ vào ngày 20 người lao động sẽ viết phiếu vay, hoặc là khoản vay đột xuất, đến kỳ lương kế toán sẽ trừ nợ khoảng 20% trên tổng số lương được nhận.

Quỹ tương trợ được thành lập khoảng 18 năm nay và hoạt động xoay vòng. Mỗi tháng quỹ cho vay từ 150 - 200 trường hợp. Như vậy nhiều năm qua quỹ đã cho vay hàng chục ngàn lượt công nhân để giải quyết công việc gấp mà không vướng vào “tín dụng đen”.

 NGUYỄN HẬU - QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=972
Quay lên trên