Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Bình Dương: Không để nợ quá hạn tăng cao

Cập nhật: 08-08-2016 | 15:09:10

Thời gian qua, bên cạnh việc tích cực triển khai chính sách phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - Chi nhánh Bình Dương luôn xác định việc nâng cao chất lượng tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các chỉ tiêu hoạt động. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn của ngân hàng này luôn ở mức thấp.

Cán bộ tín dụng NHCSXH Bình Dương giải ngân cho các đối tượng khó khăn tại phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một Ảnh:T.HỒNG

Kéo giảm nợ quá hạn

Trong 7 tháng qua, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH Bình Dương đạt gần 1.182 tỷ đồng, với 67.700 lượt khách hàng vay vốn, đạt 85% kế hoạch giao trong năm 2016. Điều đáng nói là số khách hàng có dư nợ vay vốn tăng nhưng tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm xuống.

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Bình Dương cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, tổng số nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh, lên đến 4.989 tỷ đồng, tăng 438 tỷ đồng so với đầu năm. Qua phân tích, chi nhánh nhận thấy, nợ quá hạn tăng chủ yếu do hộ vay khó khăn tạm thời chưa trả nợ được, hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú chưa tìm được nơi ở mới, học sinh - sinh viên ra trường chưa có việc… Trước tình hình này, chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thị, thành phố tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ban giảm nghèo cấp xã; cùng với đó tập trung thực hiện các phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; ban thu hồi nợ, tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) đã đến tận các hộ gia đình tuyên truyền, vận động, cho ký cam kết trả nợ… Nhờ đó, chất lượng tín dụng đã có những chuyển biến tích cực.

Tính đến cuối tháng 7, nợ quá hạn của chi nhánh ngân hàng đã giảm xuống còn 4.073 tỷ đồng, chiếm 0,34%/tổng dư nợ. Cùng với đó, việc giải ngân của chi nhánh đối với các chương trình vay vốn bảo đảm đến tận tay hộ có nhu cầu vay vốn nên đã khắc phục nhanh, hiệu quả số nợ quá hạn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo phản ánh của đại diện các TTK&VV trong tỉnh, họ gặp rất nhiều khó khăn khi người vay rời khỏi địa phương. Ông Phạm Văn Bích, Tổ trưởng TTK&VV khu 4, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một cho biết, cách đây vài tháng, chính quyền địa phương và người dân tại phường đã họp bình xét, đề xuất cho trường hợp của bà T.T.T.N. được vay vốn 10 triệu đồng để mua bán nhỏ, lẻ. Nhưng chẳng may bà N. bị bệnh nan y nên đã rời khỏi địa phương. “Hiện chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm nơi ở mới của bà N. để thu hồi lại số nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Bích nói. Ghi nhận cho thấy, một nguyên nhân khác dẫn đến trường hợp nợ quá hạn có chiều hướng tăng đó là hộ vay khó khăn tạm thời chưa trả được nợ, hộ vay có điều kiện trả nhưng chây ì không chịu trả và chiếm tỷ lệ cao nhất là tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm không trả được vốn vay ngân hàng.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, về phía hội, đoàn thể chủ yếu dựa trên danh sách các hộ dân đủ điều kiện vay vốn mà các phường, xã, thị trấn gửi lên để giải ngân vốn; còn việc rà soát nơi ăn, chốn ở, điều kiện dời đổi nhà cửa... thì chính quyền địa phương mới là cấp quản lý trực tiếp. Vì thế, các hội, đoàn thể rất khó nắm bắt được chính xác thời gian các hộ rời khỏi nơi cư trú để có biện pháp thu hồi nợ.

Theo ông Hà Văn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, chương trình tín dụng chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, không chỉ đơn thuần cho vay mà cần có những giải pháp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người vay. Trong các biện pháp hỗ trợ, cho vay hộ nghèo là biện pháp cần thiết để người nghèo suy nghĩ, trăn trở tìm cách sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ có việc làm tăng lên nhằm bảo đảm khả năng trả nợ.

Ông Võ Văn Đức cho biết thêm, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHCSXH Việt Nam. Chi nhánh sẽ tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đồng thời tích cực huy động vốn từ khu dân cư, TTK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Ngoài ra, chi nhánh cũng sẽ tăng cường các biện pháp xử lý nợ quá hạn; thường xuyên theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ để giảm nợ quá hạn đến mức thấp nhất

 

 THANH HỒNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=614
Quay lên trên