Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) theo từng nhóm ngành, quy mô và mức độ phục hồi. DN cũng cần ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, kéo dài thời gian gia hạn nợ, giãn nợ các khoản vay, điều chỉnh lãi suất cho vay mới theo từng ngành nghề, loại hình đặc thù để DN có thể đầu tư mới, mua nguyên liệu, phát triển sản xuất… Đó là những ý kiến đề xuất của DN tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức sáng qua (21-5).
Ngành ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện các thủ tục giãn, hoãn, vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Tư vấn vay vốn tại Chi nhánh Vietinbank KCN Bình Dương
Khó tiếp cận các gói hỗ trợ
Tại hội nghị, nhiều DN đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng trong 3 tháng qua, NHNN đã triển khai nhiều chính sách trong đó có Thông tư 01/2020/ TT-NHNN ngày 13-3-2020 về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh. Đây là những chính sách thiết thực và kịp thời.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn là chặng đường dài trong khi nhu cầu DN lại rất gấp. “Ngân hàng thương mại nơi tôi vay (TP.Hồ Chí Minh) nói họ chưa có văn bản hướng dẫn về việc hoãn, giãn lãi vay, lãi suất cho vay từ NHNN nên không thể giải ngân thêm”, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương nói, ông Trọng cho biết đến nay, DN chưa tiếp cận được biện pháp hay gói hỗ trợ nào, cho dù DN đã kiệt sức. “Khi Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ về thuế như gia hạn, miễn tiền nộp thuế… chúng tôi cũng có thử nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Chạy đến các ngân hàng tìm nguồn vốn thì ngân hàng yêu cầu DN chứng minh khó khăn, thiệt hại. Với tình cảnh hiện tại, chẳng DN nào còn đủ sức lực, tâm trí để ngồi soạn thảo hết các yêu cầu thủ tục, sổ sách. Với các thủ tục yêu cầu gửi hồ sơ đến ngân hàng, chờ cơ quan quản lý trực tiếp kèm văn bản kiểm kê thì DN đã chết trước khi chính thức được hỗ trợ”, ông Trọng nêu khó khăn.
Về 10 nhóm kiến nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam ghi nhận đồng thời yêu cầu ngành ngân hàng Bình Dương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. NHNN Việt Nam luôn tạo điều kiện cho DN, người dân, ngành ngân hàng hoạt động phù hợp, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh Covid-19. Đối với tổ chức tín dụng, ông Tú cũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo hướng chia sẻ tối đa. Để thực thi tốt chính sách hỗ trợ khách hàng, ông Đào Minh Tú cho rằng đây là cơ hội để ngân hàng lựa chọn DN và DN lựa chọn ngân hàng. |
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc cho biết đến nay DN cũng đã được một vài ngân hàng “thấu hiểu” và giải cứu, thế nhưng vẫn đang có những nút thắt khiến cho việc tiếp cận tín dụng hỗ trợ bị gián đoạn. Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh DN gặp khó khăn khi không bán được hàng nhưng ngân hàng lại cắt giảm hạn mức tín dụng, thu hồi nợ, giảm dư nợ đến cả trăm tỷ đồng. Trong khi DN cần vốn mua nguyên liệu để sản xuất nhưng không cho nhận nợ thì khác gì đẩy DN vào đường cùng. “Trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần ngân hàng không cắt giảm hạn mức tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay khi DN còn khó khăn là thiết thực nhất, nhằm giúp DN ổn định, phục hồi và phát triển thị trường”, ông Nghĩa nói.
Ngân hàng luôn đồng hành
Tại địa bàn tỉnh Bình Dương, đến 30-4-2020, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ trên 753 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đạt gần 25.000 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng. Về hoạt động huy động và tín dụng, ước tính đến tháng 5, ngành ngân hàng Bình Dương đã huy động vốn đạt 202.717 tỷ đồng, trong khi đó tổng dư nợ ước đạt 204.274 tỷ đồng... Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh người cho vay và người vay đều gặp khó.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, việc triển khai chính sách hỗ trợ chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do phải ban hành quy định nội bộ, tập huấn triển khai nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên việc tập huấn gặp khó khăn. Ông Tú cũng nhận định thời gian tới khả năng nợ xấu có thể sẽ tăng vì dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diển biến phức tạp. Thách thức với DN là sản xuất ra sao, vay vốn bao nhiêu, bán đi đâu, khả năng phát triển trong tương lại thế nào… Do vậy, việc cho vay với khách hàng có thể dẫn đến DN thừa vốn hoặc mất vốn. “Vừa qua, chúng tôi ghi nhận có hiện tượng DN hoạt động khó khăn từ 2 năm trước, đã có nợ xấu nhưng nay lại kiến nghị gửi NHNN là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”, ông Tú cho biết.
Khẳng định quan điểm ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng DN, nhưng DN cần minh bạch thông tin, có phương án kinh doanh phát triển. Ông Đào Minh Tú nói thêm ngân hàng không thể cho vay ra khi đầu ra của DN gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả khoản vay. Thời điểm này, DN cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay. r
THANH HỒNG