Ngân hàng ưu tiên vốn phục vụ “tam nông”

Cập nhật: 01-07-2014 | 17:24:56

Ưu tiên vốn phục vụ “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành ngân hàng (NH) trong năm 2012. Do vậy, bên cạnh việc cam kết đáp ứng vốn kịp thời và đồng hành cùng khách hàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các NH còn dồn dập công bố chương trình tín dụng phục vụ khách hàng khu vực nông thôn...

Thực hiện các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13-2-2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2012, thời gian qua NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Mới đây, Vietinbank tiếp tục đợt hạ lãi suất cho vay mới. Theo đó, đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa... lãi suất cho vay chỉ ở mức từ 14 - 15%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2011-2012 chỉ còn 12%/năm. Vietinbank cam kết đáp ứng vốn kịp thời và đồng hành cùng khách hàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nhóm khách hàng ở khu vực nông thôn.  Nhân viên Sacombank tư vấn cho khách hàng khu vực nông thôn các gói tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân của ngân hàng

Nông dân không phải thế chấp sổ đỏ khi vay ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc một số ưu đãi đối với nông dân, trên cơ sở đề xuất của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, sau khi xem xét báo cáo, kiến nghị của Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải đổi mới chính sách bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc cơ bản để nông dân vay vốn không phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Thông tin từ NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng cho biết, NH này đã đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2012. Trong đó, ngoài việc tập trung vào các hoạt động kiểm soát, an toàn tín dụng, nâng cao thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm các tỷ lệ an toàn theo quy định... NH này còn tập trung vốn phục vụ “tam nông”.

Không riêng khối NHTM Nhà nước, thời gian gần đây có khá nhiều NH cổ phần công bố hạ lãi suất cho vay, trong đó có các chương trình tín dụng với lãi suất vay ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo triển khai chương trình dành 5.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu năm 2012. Chương trình được triển khai áp dụng đối với các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy hải sản; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu trên toàn quốc. Ngoài ra, SHB còn cấp hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, kinh doanh với lãi suất cho vay 15%/năm, với mục đích  vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh như thu mua hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Từ ngày 16-4 vừa qua, NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank) cũng đã áp dụng mức lãi suất từ 15% và quy mô vốn vay là 5.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Bên cạnh đó, Maritime Bank còn hạ lãi suất tín dụng đối với nhiều nhóm doanh nghiệp và dành 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, thuốc, thiết bị y tế, cao su, nhựa... với lãi suất ưu đãi 16 - 18%/năm.

Tượng tự, từ nay đến ngày 11-5, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng dành 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất, canh tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Lãi suất áp dụng cho tháng đầu tiên là 12%/năm và thời gian vay tối đa là 12 tháng. Sacombank cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay, đối với các khoản vay đến 500 triệu đồng, Sacombank có thể đơn giản thủ tục vay bằng cách không thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bất động sản thế chấp. Ngoài ra, Sacombank sẽ cấp sổ cho vay nông thôn thay vì hợp đồng vay để sau khi hết hạn vay, khách hàng có thể sử dụng sổ này để tiếp tục vay trong vòng 36 tháng.

Theo nhận định của người dân, Sacombank là NH rất quan tâm hỗ trợ vốn cho đối tượng khách hàng khu vực nông thôn. Việc triển khai gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông thôn lần này của Sacombank là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh cho vay phân tán, đồng thời thiết thực hưởng ứng chủ trương của NHNN về việc thực hiện nhiệm vụ của ngành NH liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

T.HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1491
Quay lên trên