Ngân hàng và doanh nghiệp: Cần tăng cường đối thoại để hiểu nhau hơn

Cập nhật: 29-03-2013 | 00:00:00

Tháo gỡ điểm không gặp nhau giữa ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) chính là tinh thần hợp tác. DN đòi hỏi vốn giá rẻ, cho vay dễ nhưng trong tình hình khó khăn thì NH phải phòng thủ, ngại cho vay. Ai cũng đưa ra lý lẽ, nguyên tắc của mình thì không giải quyết được vấn đề. Do vậy, hai bên cần tích cực tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ vướng mắc và cùng nhau hoạt động hiệu quả hơn...

Thống đốc Nguyễn Văn Bình (giữa) lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương Đó là một trong những vấn đề được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình lưu ý tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ NH nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây.

Những thắc mắc chủ yếu mà đại diện một số DN ngành da giày, gỗ, công nghiệp hàng tiêu dùng bày tỏ tại hội nghị vẫn là chuyện khó tiếp cận với vốn NH, những bất cập trong việc bảo lãnh tín dụng cho việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa; ổn định lạm phát, tỷ giá ngoại tệ... Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Huỳnh Quang Thanh, DN chỉ có thể ổn định sản xuất khi lãi vay được đưa về mức 10%/năm. Rất nhiều các DN trong hiệp hội phải vay vốn ngắn và trung hạn để đầu tư dài hạn nên khả năng thua lỗ, phá sản là rất lớn. Việc thẩm định vay chặt chẽ, giảm hạn mức tín dụng, đánh giá mức tín nhiệm DN quá khắt khe khiến DN luôn ở trong tình trạng “khát vốn”! Ông Thanh kiến nghị, NH mở gói bảo lãnh thanh toán cho DN xuất khẩu có LC trong khi chờ thanh toán, đồng thời Nhà nước có nguồn tín dụng lãi suất thấp, dài hạn để hỗ trợ DN đang khó khăn.

Về vấn đề hỗ trợ lãi suất, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Masan Nguyễn Tân Kỷ, cho rằng chênh lệch lãi suất vay giữa NH ngoại và hàng nội khá cao khiến DN gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường. Để khuyến khích đầu tư, ông Kỷ mong muốn NHNN có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các DN hoạt động hiệu quả, giúp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo đại diện các NH có mặt tại buổi làm việc, hiện lãi suất vay NH đang ở mức hợp lý và DN có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, nếu DN rơi vào tình trạng khó khăn, NH nhìn thấy rủi ro thì sẽ không dám cho vay ra. Giải trình tại hội nghị theo yêu cầu “ba mặt một lời” của Thống đốc, Giám đốc NH Vietcombank (VCB) chi nhánh Bình Dương Nguyễn Đình Phục, cho biết VCB đang thực hiện các biện pháp giúp DN duy trì sản xuất chứ không có chuyện cắt giảm hạn mức tín dụng. Cụ thể, dư nợ tín dụng đến cuối năm 2012 của một tập đoàn trong ngành gỗ có quan hệ tín dụng tại VCB Bình Dương lên đến 430 tỷ đồng. “Trong tình hình DN này gặp khó khăn, VCB đã cơ cấu lại nợ trên 137 tỷ đồng và lãi vay 43,9 tỷ đồng để giãn thời hạn trả lãi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của DN này chính là lượng hàng tồn kho quá lớn, tổng dư nợ cho vay một số công ty con của tập đoàn này đến hết năm 2012 là 1.200 tỷ đồng, nhưng hàng tồn kho lên đến 800 tỷ đồng, trong đó có cả lô hàng tồn kho từ năm 2008 đến nay. Thị trường tiêu thụ đang bị ách tắc, hàng tồn kho lớn và xu hướng nợ của các DN trong lĩnh vực gỗ còn rất cao, đây mới là vấn đề mấu chốt để DN có thể giải quyết dư nợ tín dụng với NH”, ông Phục nói.

Lý giải về “điểm nghẽn” nói trên, Thống đốc NHNN giải thích, không riêng Bình Dương mà các địa phương khác cũng đang rơi vào tình trạng “tiền ứ thừa nhưng NH không thể cho vay”. Theo Thống đốc NHNN, do tình hình kinh tế suy thoái, mỗi ngành có những khó khăn khác nhau. DN nào có tiềm năng thì NH sẵn sàng cho vay với lãi suất chỉ 9 - 10%/năm để chia sẻ cơ hội phát triển. Tuy nhiên, DN phải ngồi lại với NH để tìm cách tháo gỡ khó khăn chứ không thể cứ trông chờ NH rót tiền, vì đó là vốn huy động của dân phải trả cho dân. Về vấn đề đánh giá mức tín nhiệm DN quá khắt khe, Thống đốc cho rằng DN vẫn chưa nắm rõ vấn đề vì ngành nào, lĩnh vực nào cũng phải có chuẩn hoạt động. Mỗi TCTD đều có hệ thống đánh giá, xếp hạng DN, nếu DN không tiếp cận được vốn thì phải xem lại hệ thống quản lý, năng lực, khả năng quản trị rủi ro, dự án của mình. “Để minh bạch hoạt động của NH, tới đây NHNN sẽ công khai xếp hạng DN trên hệ thống thông tin quốc gia, đây là căn cứ để DN và NH thẳng thắn nói chuyện với nhau”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho hay, điều hành trong cơ chế thị trường, khả năng có gói hỗ trợ lãi suất rẻ là rất thấp. Với 80% vốn huy động là kỳ hạn ngắn, NH không thể sử dụng cho vay dài hạn. Thực tế, hệ thống NH cũng đang đi “trên dây” khi đã sử dụng hơn 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Để chấn chỉnh tình hình này, Thống đốc nói: “NHNN sẽ nắn đường cong lãi suất, đưa cơ cấu tiền gửi ở mức hợp lý thì DN và NH có thể nương tựa vào nhau”.

“NH và DN đối thoại là tốt. Hai bên cần gắn kết chặt chẽ hơn để DN hiểu rõ mình thiếu cái gì, còn NH cần gì? Do vậy, NH cần tiếp tục đồng hành cùng DN, tiếp cận để kịp thời tháo gỡ gút mắc, tăng cường trao đổi thông tin để tìm tiếng nói chung. Cùng với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, phía NHNN Bình Dương cần tích cực tham gia các cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để nắm bắt tốt tình hình hoạt động của hệ thống, của DN để từ đó có đề xuất, kiến nghị với NH Trung ương nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra…”

(Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình)

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=399
Quay lên trên