Được bồi đắp bởi phù sa của sông Bé và sông Đồng Nai, đất đai Bắc Tân Uyên màu mỡ và nguồn nước tưới dồi dào cho việc trồng cây ăn trái có múi đem hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây bưởi. Và giờ đây, những người nông dân bước vào “cuộc chiến” mới mang tên… thị trường.
Vùng đất Bắc Tân Uyên hoang vu năm nào được thay bằng màu xanh cây trái (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra)
Hiểu lòng… của đất
Tháng 4 về nắng bỏng rát da người. Từ trục đường chính xã Tân Định, rẽ vào trang trại bưởi da xanh của cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến, trước mắt là bưởi và bưởi, từng hàng thẳng tắp, ngút ngàn. Trang trại nằm trên vùng đất Chiến khu Đ năm xưa, xa khu dân cư, bám dọc theo triền của bờ sông tạo nên bãi bờ xanh mướt. Những triền sông ngày xưa trắng màu lau lách nay đã được thay thế bằng vườn bưởi xanh tốt, trĩu quả.
Nhìn cảnh vật đoán biết chắc chủ trang trại đã dồn tâm huyết của mình vào từng gốc bưởi. Cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu trên gương mặt rắn rỏi của người lính ngót nghét tuổi 70. Để có thành công hôm nay ông có một tình yêu mãnh liệt với đất. “Năm 1999, khi đã thành công việc kiến thiết, xây dựng cơ bản cho trang trại ở xã Bình Mỹ (trang trại 1), tôi quyết định khai phá một vùng đồi hoang cũng đầy sỏi đá khác ở xã Tân Định, nằm ngay bên sông Bé. Lúc này tôi đã về hưu được 7 năm, nên có thể dành toàn bộ thời gian cho trang trại. Để có vườn bưởi hôm nay được vun bởi tâm huyết và đầu tư lớn. Thổ nhưỡng Bắc Tân Uyên khá thích hợp cho cây bưởi, đất có tầng canh tác dày, độ phì cao, thoát nước tốt song quan trọng hơn phải nghe được tiếng nói từ… đất, yêu từng thớ đất để hiểu những điều đất có, đất cần… cho cây. Từ quyết tâm, cộng thêm những kinh nghiệm quý báu đã từng đúc rút ra được từ quá trình khai phá đất, làm trang trại ở xã Bình Mỹ, cuối cùng tôi đã chinh phục thành công vùng đồi hoang đầy sỏi đá ở Tân Định, tạo thành một trang trại xanh mướt như hôm nay”, ông Chiến chậm rãi nói.
Hơn 10 năm với nhiều tâm huyết, đến nay toàn bộ diện tích cả 2 trang trại của ông đều được tưới tự động đến tận từng gốc cây, vừa giảm mạnh chi phí, vừa tăng được hiệu quả dùng nước cho cây trồng. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng qua việc ứng dụng VietGAP vào sản xuất, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, nên bưởi Bắc Tân Uyên cũng có đặc điểm rất khác, ruột đỏ au, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng làm mê mẩn người thưởng thức…
Tạm biệt ông Chiến, chúng tôi tìm đến trang trại Phương Uyên (xã Hiếu Liêm). Tiếp chuyện chúng tôi trong trang trại xanh mát ông Lê Văn Xê chia sẻ về quá trình gây dựng của mình. Cũng năm 1999, từ Bến Tre, ông tìm đến vùng đất Hiếu Liêm để tìm cơ hội trồng cây ăn trái - những loại cây mà ông đã gắn bó từ nhỏ. Lúc này vùng đất Hiếu Liêm còn khá hoang vu, nhưng với con mắt “có nghề”, ông nhận thấy vùng đất ven sông Bé với dải phù sa cổ, đổ dốc kéo dài rất thích hợp cho các loại cây ăn trái. Ông quyết tâm bám trụ, chọn bưởi da xanh ruột hồng làm bạn đồng hành. Trang trại của ông là trang trại trồng bưởi đầu tiên tại Bình Dương đạt tiêu chuẩn VietGAP. Song chưa bao giờ bằng lòng, ông Xê luôn tìm tòi học hỏi để “nâng cấp” sản phẩm. Với ông, cuộc chinh phục đất đầy thử thách và hạnh phúc. “Trong một lần sang tham quan Thái Lan, tôi đã vô cùng ngạc nhiên trước các phương pháp canh tác mới của người Thái. Cùng một diện tích đất nhưng sản xuất theo phương pháp của họ cây trồng cho năng suất cao hơn và chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn”, ông Xê nói. Từ đó ông quyết tâm học cho bằng được phương pháp canh tác mới này, đem ứng dụng vào trang trại của mình từ rất sớm.
Khó nhất vẫn là thị trường
Trên thực tế, vấn đề thị trường là khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay tại vùng bưởi này. Ông Đoàn Minh Chiến - một người không biết sợ thất bại từ chinh phục đất cũng lắc đầu “đó là khâu khó nhất” khi phải bảo đảm nguồn hàng, chất lượng… nên đến bây giờ vẫn xuất bán qua trung gian.
Bưởi Bắc Tân Uyên tại hội chợ xúc tiến nông sản tỉnh Bình Dương 2019
Với trang trại Phương Uyên, cái được hiện nay là sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và được nhiều người ưa chuộng, một số ít được xuất khẩu đi ra nhiều thị trường như Trung Quốc, New Zealand, Singapore. Ông Xê quan niệm, để có chỗ đứng với thị trường thì phải tạo dựng thương hiệu. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì cái khó nhất là phải giữ được thương hiệu, tạo được chuỗi liên kết bền vững. Để đạt được điều này cần phải duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của trang trại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, chú ý đến yếu tố “sạch” trong sản xuất. Trong đó, tập trung chú ý đến khâu sơ chế và bản quản sau thu hoạch. Theo ông Xê, hiện nay nhiều người sản xuất trái cây chưa chú ý đến các khâu này do chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch có ý nghĩa rất lớn trong quy trình sản xuất do trái cây có mẫu mã đẹp hơn, độ tươi duy trì lâu hơn nên có thể di chuyển đi đến các thị trường xa hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị thương phẩm được nâng lên cao hơn.
Để có đặt được nền móng từ thị trường là con đường “không trải hoa hồng”. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Thành Có, Giám đốc Hợp tác xã Nhân Đức, xã Hiếu Liêm, người tiên phong trong mô hình trồng cây có múi theo hướng hữu cơ bày tỏ điều ông luôn đau đáu là tìm thị trường tiêu thụ vững chắc để sản xuất ổn định, không lo được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái…
HTX Nhân Đức cũng ra đời để giải quyết vấn đề thị trường cho các thành viên hợp tác xã và bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Bằng những quyết tâm lớn, ông Nguyễn Thành Có dày công tìm kiếm quy trình hữu cơ chuẩn quốc tế, đem áp dụng vào trong điều kiện của chính Hiếu Liêm. Ông nói bao lần nhận được cái lắc đầu từ chối của chuyên gia nước ngoài nhưng ông vẫn quyết tâm làm bằng được, để rồi năm 2017, ông vỡ òa hạnh phúc khi sản phẩm được cấp giấy chứng đạt chuẩn quy trình hữu cơ của Hà Lan. Đến nay các thành viên trong hợp tác xã sản xuất cam bưởi đều tuân theo quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt, sản phẩm tạo được niềm tin cho khách hàng. Sản phẩm hữu cơ của HTX Tâm Đức có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả cao hơn so với thị trường khoảng 30%. Hiện sản phẩm được kiểm tra, đánh giá theo mỗi chu kỳ sản xuất hữu cơ qua 3 tháng/lần của hiệp hội hữu cơ trong nước và nước ngoài.
Chia tay vùng bưởi, nắng chiều dần tắt… hoa đã nở, cây đã kết trái ngọt từ vùng đất chiến khu Đ anh dũng, ký ức khó nghèo đã lùi lại phía sau…
TIỂU MY