Ngành dệt may chuyển hướng sản xuất xanh

Cập nhật: 08-08-2023 | 08:57:59

 Các doanh nghiệp (DN) dệt may đang nỗ lực thực hiện xanh hóa sản xuất nhằm thu hút được đơn hàng trong bối cảnh thị trường nhập khẩu tồn kho cao, nhu cầu giảm.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An)

 Đáp ứng yêu cầu

Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, hiện nay DN có khoảng 60 - 70% đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Để giữ ổn định sản xuất, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các DN đang nỗ lực chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh.

Thực tế “xanh hóa sản xuất” cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất gần đây tại các cuộc gặp gỡ của các đơn vị dệt may. Khoảng 50% DN dệt may đã “xanh hóa sản xuất” để có thể có đơn hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, các DN đã và đang cố gắng ở khâu nhuộm, dệt, thay thế công nghệ mới, khép kín quy trình sản xuất. Đồng thời, DN liên kết với các đối tác cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, đạt chuẩn quốc tế.

Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An) đã có “trái ngọt” sau những nỗ lực của đơn vị trong tiến trình bắt nhịp xanh hóa sản xuất. Đến nay, đơn hàng của DN vẫn ổn định, bảo đảm công nhân có việc làm, thậm chí phải tăng ca, thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/ tháng. Công ty nỗ lực xanh hóa các quy trình thể hiện bằng cam kết với việc giảm phát thải CO2. “Tuy vậy, DN phải có lộ trình thực hiện, giảm phát thải CO2 đòi hỏi đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị, tìm nguồn nguyên liệu mang tính tự nhiên hơn”, bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Trưởng bộ phận quản lý hành chính Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương cho biết.

Theo Sở Công thương, 6 tháng đầu năm 2023, ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.589,5 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,96% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Lý giải con số tăng trưởng này so với sự sụt giảm 30 - 40% đơn hàng của các DN thành viên, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may tỉnh cho biết mức tăng có được nhờ vào các DN FDI lớn, có nhiều đơn hàng, duy trì sản xuất ổn định.

Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, chia sẻ: “Các DN thuộc hiệp hội dự báo rất khó khăn trong thời gian tới, đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU vẫn chưa có dấu hiệu tích cực, khó khăn có thể kéo dài tới hết năm 2023”. Bà Phạm Thị Xuân Trang cho biết thêm, hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thông tin, đẩy mạnh giao lưu, kết nối hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngoài ra, hiệp hội sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên mới trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để phát triển theo chiều sâu. “Mong rằng trong năm 2024 thị trường thế giới cũng như trong nước sẽ khởi sắc hơn, giúp các DN dệt may trong tỉnh sản xuất, kinh doanh ổn định hơn”, bà Phạm Thị Xuân Trang kỳ vọng.

Từng bước theo lộ trình

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Nguyên cho biết việc xanh hóa sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được DN chuyển đổi từng bước phù hợp, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thay thế sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên… Khi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, chi phí của DN sẽ tăng đáng kể. Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh, giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường có sự cạnh tranh rất lớn về giá, gây khó khăn cho DN. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa, nhất là các DN vừa và nhỏ.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần may Quốc tế (TX.Bến Cát), cho biết điểm then chốt với DN dệt may trong quá trình xanh hóa là phải thích ứng với việc sử dụng sợi tái chế trong sản xuất, điều này là bắt buộc. Tiếp đó, phát triển bền vững và xanh hóa đồng nghĩa DN phải đầu tư hạ tầng của các nhà máy đạt tiêu chuẩn trong nước và cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; sử dụng sản phẩm thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đầu tư cho điện áp mái. Cuối cùng là tạo tính liên kết chuỗi, bắt tay để đạt các chuẩn mực, yêu cầu của nhãn hàng toàn cầu.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp thực hiện đề án di dời, chuyển đổi công năng ngành dệt may nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía nam tỉnh; nắm tâm tư nguyện vọng của các DN, hướng dẫn, hỗ trợ các DN thành viên hiệp hội trong thực hiện di dời, chuyển đổi công năng, sản xuất xanh, bền vững”.

(Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương)

“Tất cả các yếu tố trên là hướng đi bắt buộc nhưng điều tiên quyết là mỗi chủ DN cần có ý thức trong mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa, đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ, năng lượng tái tạo, môi trường… Cùng với đó, DN phải tuyên truyền nâng cao ý thức của bộ phận quản lý và người lao động. Xanh hóa, phát triển bền vững là con đường phải đi với ngành dệt may. Tuy nhiên, cũng phải xác định con đường này rất hiểm trở và thách thức lớn nhất là nguồn tài chính”, bà Phan Lê Diễm Trang cho biết.

Cũng theo bà Phan Lê Diễm Trang, ngành dệt may cần có chiến lược, chính sách cụ thể cho xanh hóa sản xuất. Có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho DN vay với lãi suất 0%, hoặc 1 - 2%/năm để đầu tư cho xanh hóa. Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt, bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai. Các DN mong muốn chính sách phải đi đôi với thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe cộng đồng DN đang vướng mắc gì để thấu hiểu và chia sẻ.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, Hiệp hội Dệt may tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối để liên kết các DN với nhau, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, ổn định thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới. Hiệp hội cần hỗ trợ cho các DN thành viên thông qua công tác tư vấn, tập huấn, đào tạo, thông tin về kinh tế, khoa học kỹ thuật, giá cả, thị trường xuất nhập khẩu theo hướng xanh hóa sản xuất.  

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=708
Quay lên trên